Hà Giang: Phát triển giao thông nông thôn đạt nhiều kết quả

Thứ tư, 12/08/2015 14:14
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành của Trung ương; sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự nỗ lực vào cuộc với tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng với sự quyết tâm đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Nhân dân thôn Kem, xã Tiên Yên (Quang Bình) tích cực làm đường giao thông nông thôn

Nhân dân thôn Kem, xã Tiên Yên (Quang Bình) tích cực làm đường giao thông nông thôn

Theo số liệu của ngành Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy: Trong 5 năm qua (2010 – 2015) hệ thống đường GTNT trên địa bàn toàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Toàn tỉnh đã xây dựng được 1.519km đường GTNT đạt  tiêu chí đường giao thông trong chương trình mục tiêu xây dựng NTM, trong đó có 647km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê - tông hóa; 407km đường trục thôn, xóm được cứng hóa; 428km đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 37km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện và đã xây mới, cải tạo được 2.590 cầu cống dân sinh. Tính đến tháng 6.2014, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 88,1% đường nhựa; 11,9% đường đá, cấp phối; 89,2% các thôn, bản có đường giao thông liên thôn bản. Đến thời điểm tháng 12.2014, toàn tỉnh còn 13 xã đường đến trung tâm chưa được giải nhựa hóa hoặc cứng hóa. Tổng kinh phí đầu tư cho phát triển GTNT trong 5 năm qua là 2.859,3 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương 2.496,7 tỷ đồng, ngân sách địa phương 223,9 tỷ đồng, vốn đóng góp của nhân dân 95 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động xã hội và vốn ODA.

Để thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng GTNT trong những năm qua, đồng chí Cù Duy Man, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Mặc dù trong giai đoạn phát triển GTNT 2010 – 2015 có nhiều khó khăn, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 11 và các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội... dẫn đến nhiều công trình xây dựng cơ bản bị đình hoãn với khối lượng lớn đã ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động.

Vì vậy việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là GTNT trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Nhưng để phát triển KT – XH theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, tỉnh đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phát triển GTNT, chỉ đạo trực tiếp Sở GTVT triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo chức năng nhiệm vụ của ngành và theo sự phân công của tỉnh, tham mưu xây dựng các văn bản hướng dẫn, các chỉ dẫn kỹ thuật nhằm kịp thời triển khai cho các cơ sở trong công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng GTNT gắn với việc xây dựng NTM...; huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân và nhân dân để xây dựng đường giao thông trong chương trình xây dựng NTM với phương châm: Nhà nước hỗ trợ vốn và vật liệu chủ yếu để xây dựng, nhân dân đóng góp công lao động... Ngành cũng đã chỉ đạo, điều hành các quy định phân cấp quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải, theo hướng phân cấp triệt để cho cơ sở; tăng cường công tác quản lý Nhà nước để giúp huyện, thành phố, các chủ đầu tư từng bước chấn chỉnh nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực giao thông, vận tải nhất là về quản lý đầu tư XDCB đối với các dự án giao thông; thực hiện tái cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành GTVT đó là chuyển đổi mô hình quản lý của 2 Đoạn quản lý đường bộ sang mô hình Công ty TNHH 1 thành viên quản lý và sửa chữa đường bộ.

Với tinh thần quyết tâm theo nội dung trong “giao ước thi đua”, trong thời gian tới ngành GTVT tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, rà soát các xã điểm về công tác xây dựng đường GTNT, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn tại cơ sở. Đồng thời phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ, ngành Trung ương để hoàn tất thủ tục đầu tư và khởi công xây dựng các tuyến đường huyết mạch có sức lan tỏa như Quốc lộ 4C, Quốc lộ 34, đường Hà Giang nối với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Tiếp tục đầu tư cải tạo, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ, đường ra cửa khẩu, đường huyện, các tuyến đường đến trung tâm các xã theo kế hoạch, đảm bảo giao thông thông suốt...

Với những cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp cộng với sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân đến nay, hầu hết đường GTNT trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng khang trang, bộ mặt nông thôn đã được cải thiện đáng kể, góp phần phục vụ cho người dân đi lại thuận tiện, giao lưu trao đổi hàng hóa, nhất là hàng hóa nông, lâm sản mà người dân các địa phương sản xuất ra...
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:93815
Lượt truy cập: 176.108.350