Bộ luật Hàng hải sẽ được trình thông qua tại kỳ họp QH tới

Thứ ba, 18/08/2015 17:06

Sáng 18/8, Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 40, cho ý kiến về những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi).


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng giải trình thêm
một số nội dung trước Thường vụ Quốc hội

Ban Quản lý và Khai thác cảng là điểm đột phá

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi). Ngay sau đó, Ủy ban pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH; đồng thời, tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế ở một số cảng biển, cơ quan, doanh nghiệp… nghe đối tượng chịu tác động trực tiếp báo cáo, kiến nghị... để trên cơ sở đó, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

Góp ý vào dự thảo, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Bộ GTVT cũng như của Ủy ban Pháp luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời đưa được nhiều điểm mới vào dự thảo luật lần này.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh: “So với dự thảo lần đầu tiên được trình ra, dự thảo lần này đã là một bước tiến lớn, các nội dung trong luật được quy định tương đối hoàn chỉnh”.

Liên quan đến nội dung về Ban quản lý và khai thác cảng được đặc biệt quan tâm, ông Hiền ủng hộ nội dung quy định này vì đây là điều rất cần thiết. Trên thực tế, các nước đã tổ chức mô hình này và thực hiện rất có hiệu quả, vì vậy, chúng ta cần quan tâm thêm về nội dung này. Trên cơ sở đó, ông Hiền đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Ban quản lý và khai thác cảng với các cơ quan hữu quan khác vì lo ngại sẽ có sự chồng chéo.

Đánh giá "Dự thảo Bộ luật lần này đã được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng Ban quản lý và khai thác cảng chính là điểm đột phá, nếu chúng ta quy định được mô hình quản lý mà các nước đang áp dụng thì sẽ hiệu quả hơn.

“Tuy nhiên, nếu mô hình Ban quản lý và khai thác cảng này áp dụng cho những cảng lớn, xây dựng mới thì có cần cảng vụ hay không? Cảng vụ là cơ quan quản lý Nhà nước, là cánh tay nối dài từ Cục Hàng hải xuống và đặt tại cảng, nếu áp dụng mô hình Ban quản lý và khai thác cảng mà để cảng vụ thì có bị chồng lấn, có thừa cơ quan quản lý Nhà nước hay không?” – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Không có sự chồng chéo giữa Ban quản lý cảng và Cảng vụ

Giải trình làm rõ vấn đề mà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Không có sự chồng chéo giữa Ban quản lý, khai thác cảng và Cảng vụ”.

Bộ trưởng Bộ GTVT phân tích: “Ban quản lý và khai thác cảng hoàn toàn độc lập với các cảng vụ, có hay không có Ban quản lý khai thác cảng thì các cảng vụ vẫn tồn tại. Chính quyền cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao. Còn Cảng vụ nói nôm na là quản lý tàu ra tàu vào, làm nhiệm vụ cấp phép cho tàu ra, tàu vào cảng, thuần túy như vậy thôi”.

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, nếu áp dụng mô hình Ban quản lý và khai thác cảng sẽ khắc phục được tồn tại là cùng một khu vực mà đầu tư dàn trải, manh mún, sự liên kết giữa các cảng không có, làm ăn không hiệu quả dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài những giải trình trên, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến đã góp ý trong Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hơn Bộ luật Hàng hải (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết Ủy ban sẽ tiếp thu và chỉnh lý lại để làm rõ một số nội dung trong luật, trong đó vấn đề lớn và được quan tâm nhất là Ban quản lý và khai thác cảng.

“Chúng tôi sẽ làm rõ hơn mối quan hệ của Ban quản lý và khai thác cảng với các cơ quan T.Ư, địa phương khác, đồng thời xác định nhiệm vụ pháp lý của nó. Tuy nhiên, xin Thường vụ Quốc hội mạnh dạn cho sử dụng khái niệm chính quyền cảng để bao quát hết việc này vì khái niệm Ban quản lý và khai thác cảng vừa dài vừa không thể hiện rõ” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.

Kết luận lại vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc thành lập chính quyền cảng hay Ban quản lý và khai thác cảng là vấn đề lớn nhất. Hiện nay việc khai thác chưa được như mong muốn nên Chính phủ muốn có 1 cơ chế mới để tạo ra sự đột phá trong khai thác. Còn cơ quan quản lý này với cảng vụ là hai cơ quan khác nhau, có nghĩa là có Ban quản lý và khai thác cảng thì vẫn có cảng vụ.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu khẳng định, sau phiên họp này, Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ GTVT sẽ chỉnh sửa một số nội dung được góp ý để hoàn thiện Bộ luật này, sau đó sẽ trình QH thông qua vào kỳ họp thứ 10 tới.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:288769
Lượt truy cập: 176.087.411