Phát huy vai trò của Nhân dân
Những ngày đầu tháng 9, có dịp được đến các thôn bản của huyện Tam Đường, điều chúng tôi nhận thấy đổi thay rõ rệt nhất là những con đường rải cấp phối đầy “ổ gà”, đường đất lầy lội khi mưa xuống được thay bằng đường trải bê tông phẳng lỳ. Được biết, có được kết quả này là sự đầu tư của Nhà nước từĐề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn huyện từ năm 2011-2015 với tổng vốn đầu tư hơn 240.951 triệu đồng, cùng với đó là sự đóng góp Nhân dân về sức người, sức của 18.529 triệu đồng. Đến hết ngày 30/6 trên địa bàn huyện đã được đầu tư, nâng cấp, mở mới 241,42km đường trong đó: đường liên xã: 32 km; đường trục xã, nội bản 160,30km; đường nội đồng 49,12km. Tỷ lệ số bản có đường được cứng hóa đến tận bản đạt trên 84%. Tỷ lệ km đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT là 89,116km/103,116km đạt 86,5%. Đây là những con số biết nói, minh chứng cho tốc độ bê tông hóa giao thông nông thôn của huyện rất nhanh và hiệu quả. Cũng nhờ đó mà huyện có 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 3 xã: Bản Hon, Bản Bo, Bản Giang đã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn đang tiến hành thực hiện các tiêu chí xây dựng để xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Quan trọng nhất là giao thông thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất, giao thương hàng hoá góp phần phát triển kinh tế bền vững và giảm nghèo.
.jpg)
Người dân bản Lướt, xã Mường Kim (huyện Than Uyên) tu sửa đường giao thông nông thôn.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, thời điểm tháng 6 năm 2011, toàn tỉnh có 97/98 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 79/98 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm đi lại được các mùa, chiếm 80,61%; 71%thôn bản có đường xe máy đi lại được thuận lợi. Xác định việc phát triển giao thông nông thôn không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó bên cạnh việc quan tâm đầu tư thì UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành các văn bản hướng dẫn một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2013. Nội dung hướng dẫn về quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn, suất đầu tư hỗ trợ trong nâng cấp, sửa chữa và mở mới đường GTNT; trình tự lựa chọn đề xuất xây dựng, phê duyệt danh mục đầu tư; trình tự, phân cấp lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu và tổ chức giám sát thi công. Quyết định về ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với mặt đường bê tông xi măng, cống thoát nước ngang đường GTNT trên địa bàn tỉnh … để Đề án đảm bảo mục tiêu đề ra.
Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, từ năm 2011 đến nay, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lai Châu đã đóng góp hàng trăm nghìn mét vuống đất cùng hàng trăm ngàn ngày công lao động công ích. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh triển khai hiệu quả các mục tiêu của Đề án. Theo đó, với các xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, xã Vàng San, huyện Mường Tè chưa có đường ô tô đến trung tâm thì thực hiện mở mới 2 tuyến đường với tổng chiều dài 21,5km, tổng kinh phí 195,5 tỷ đồng, do vậy đến nay 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm. Cùng với đó, đã cải tạo, nâng cấp 12 tuyến đường với 303km. Ngoài các tuyến mở mới được xây dựng kế hoạch trong đề án, trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt và địa giới hành chính của các xã mới chia tách, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mở mới nhiều tuyến đường GTNT đến trung tâm xã, liên xã, phục vụ bố trí, sắp xếp, tái định cư các công trình thủy điện. Đặc biệt là các tuyến đường được đầu tư phát huy hiệu quả tốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Để Đề án tiếp tục phát huy hiệu quả
Theo đánh giá của đồng chí Đoàn Đức Long - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lai Châu thì hiệu quả từ đề án là rất lớn song cũng còn nhiều vấn đề cần có sự phân tích, trăn trở để tìm ra những giải pháp thiết thực phát huy hiệu quả trong giai đoạn tới. Thực tiễn cho thấy, việc phát triển mạng lưới GTNT được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép của nhiều chương trình, mục tiêu và sự tham gia của các cơ sở, ban, ngành, nhưng kết quả triển khai thực hiện chủ yếu phụ thuộc từng chủ thể riêng biệt tham gia thực hiện đề án. Chủ trương nhà nước và Nhân dân cùng làm chỉ ở vùng có điều kiện thì kết quả rõ nét còn tại các xã, thôn bản người dân có mức sống thu nhập thấp, mà chủ yếu là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên tỉ lệ Nhân dân góp vốn 10% để đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp đường GTNT liên thôn, bản theo đề án gặp khó khăn bởi bà con chỉ tham gia đóng góp dưới hình thức hiến đất, ngày công lao động đổ bê tông cứng hóa mặt đường hoặc phát cây, vét rãnh bảo trì các tuyến đường GTNT.
Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý, bảo trì mạng lưới đường GTNT ở các huyện, thành phố còn hạn chế. Chỉ một số tuyến đường đường huyện là trục chính, quan trọng giao Sở Giao thông vận tải quản lý là được giao kinh phí bảo dưỡng thường xuyên hàng năm, còn lại các tuyến đường giao thông nông thôn do các huyện, xã quản lý không có kinh phí để bảo trì hoặc kinh phí bảo trì rất thấp (3-4 triệu đồng/km/năm) nên nhiều tuyến đường sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác sử dụng đã không duy trì được tình trạng kỹ thuật, giảm khả năng khai thác. Các tuyến đường GTNT đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp nhưng còn ở cấp thấp, các công trình trên tuyến như: công trình thoát nước, cọc tiêu, biển báo, an toàn giao thông… chưa được đầu tư đồng bộ. Việc huy động vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nguồn dân đóng góp còn chưa có giải pháp. Tiến độ triển khai thi công một số dự án chậm do khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Mặt khác, các tuyến đường huyện chưa xếp loại và đặt tên cụ thể do đó trong quá trình tổng hợp, các huyện tự phân loại đường theo khái niệm và tầm quan trọng của tuyến đường dẫn đến số liệu không thống nhất giữa các huyện và các kỳ báo cáo.
Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu cần tiếp tục thực hiện lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển mạng lưới đường GTNT, trong đó, cần làm rõ quy chế phối họp, quản lý, giám sát trong quá trình thực hiện đề án. Đề xuất xây dựng chính sách phù hợp điều kiện miền núi, có giải pháp cụ thể trong huy động nguồn vốn phù họp với điều kiện thực tế của địa phương trong từng thời kỳ. Tăng cường công tác tuyên truyền, công tác bảo trì, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, kiểm soát tải trọng phương tiện. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện trong công tác xây dựng và bảo trì đường GTNT phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương; đồng thời tuyên truyền vận động Nhân dân các thôn, bản có tuyến đường đi qua cùng tham gia quản lý, duy tu nâng cao khả năng khai thác… Có được như vậy thì giao thông nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.