Thường vụ Quốc hội hoan nghênh lần đầu thực hiện dự án giao thông sử dụng TPCP còn dư vốn

Thứ ba, 22/09/2015 08:13

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc lần đầu tiên thực hiện dự án còn dư vốn đầu tư đã được duyệt, bởi từ trước đến nay các dự án thường vượt tổng mức đầu tư.

Ảnh 1

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận, phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ
còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh
đoạn qua Tây Nguyên sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10

Các dự án giao thông có số dư lớn là nhờ rà soát và điều chỉnh phù hợp

 

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quyết định sử dụng số vốn dự phòng 845 tỷ đồng và nguồn vốn bố trí cho dự án còn dư, tổng cộng là 14.259 tỷ đồng.

Chính phủ đề nghị được tiếp tục thực hiện theo cơ chế thực hiện dự án đã được chấp thuận, đồng thời cho phép tiến hành thẩm định, phê duyệt và triển khai ngay các dự án bổ sung sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để đảm bảo tiến độ hoàn thành đưa toàn bộ QL1 và đường Hồ Chí Minh vào khai thác đồng bộ, hiệu quả.

Chiều 21/9, Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo trước Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư cho Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được bố trí theo Nghị quyết số 65 của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 64.294 tỷ đồng (trong đó vốn đã bố trí từ các nguồn khác đến hết năm 2013 là 2.614 tỷ đồng; kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 là 61.680 tỷ đồng).

Sau khi rà soát và điều chỉnh nhiều hạng mục, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ còn dư là 14.259 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là do Bộ GTVT đã rà soát chênh lệch tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án theo Nghị quyết số 65 và tổng mức đầu tư được duyệt (sau điều chỉnh), do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá; điều chỉnh thiết kế phù hợp; biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng nên tổng kinh phí dự kiến để thực hiện các dự án chỉ còn 50.035 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian, giải phóng mặt bằng sớm, đẩy nhanh tiến độ thi công cũng làm giảm mức đầu tư.

Theo  Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đây có thể coi là kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

 

 

 

 

 

 

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ GTVT đã rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát chi phí, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án nên đã tiết kiệm chi dự phòng dẫn tới dư nguồn vốn so với tổng vốn đã được bố trí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng hoan nghênh và đánh giá cao việc lần đầu tiên thực hiện một dự án có dư, còn trước đó các dự án chỉ thấy vượt tổng mức đầu tư.

Trình Quốc hội xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 10

Trước một số ý kiến cho rằng sở dĩ dự án có số dư lớn như vậy là do việc lập dự án và tổng mức đầu tư chưa sát thực tế, giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Điều quan trọng nhất là thời gian thực hiện dự án hoàn thành sớm hơn một năm, đồng thời dư ở khoản dự phòng phí, dự phòng trượt giá, công tác giải phóng mặt bằng sớm cũng góp phần làm giảm chi phí…Có số dư nêu trên là đều có lý do chính đáng chứ không phải dựng lên chi phí cao quá mà có”.

Ảnh 2

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, việc dự án có số dư lớn
là nhờ rà soát và điều chỉnh phù hợp chứ không phải do trước đó dựng chi phí quá cao

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, riêng việc tiết giảm 5% chi phí xây lắp, chi phí tư vấn và chi phí khác rất đáng hoan nghênh, thể hiện bước đi táo bạo và đúng đắn của Bộ GTVT. Ngoài ra còn do một số khoản đã được điều chỉnh lại cho phù hợp, và cái quan trọng là các dự án này vẫn đảm bảo chất lượng. "Đây là một việc làm tốt”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng hoan nghênh việc Bộ GTVT đã có sự điều chỉnh phù hợp. Ông Lý cho rằng, việc sử dụng số dư này thế nào và thủ tục ra sao thì Ủy ban TVQH có thể quyết định được, vì Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 65 về tổng vốn và mục đích đầu tư vào hai dự án, giờ sử dụng số dư ấy vẫn không ngoài mục đích và phạm vi của QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại cho rằng tiền này phải minh bạch trước Quốc hội. “Nhu cầu hoàn thiện các dự án này còn nhiều, giờ còn dư hơn 14 nghìn tỷ, chúng ta nên sử dụng tiếp vào hai con đường này vì nhu cầu của nó vẫn còn, nhưng để đảm bảo tính minh bạch, TVQH không thể quyết luôn việc này mà phải trình ra Quốc hội cho ý kiến” – ông Phước nêu quan điểm.

 

Ảnh 3

Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được đánh giá là dự án đầu tiên thực hiện có dư

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết có 1 nguyên tắc bất di bất dịch là trái phiếu Chính phủ chỉ chi cho các danh mục do Quốc hội quyết định. Trong khi đó phần lớn hạng mục như Chính phủ trình lại nằm ngoài danh mục đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Về vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng các danh mục nhỏ nếu nằm trong danh mục tổng thể dự án QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên thì vẫn thuộc các dự án trên. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nếu không thống nhất được vấn đề này trong phiên họp Thường vụ Quốc hội thì để lại.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói, Ủy ban TVQH tán thành cao việc sử dụng vốn dư cho việc hoàn thiện hai dự án này và các đường nối nhằm đảm bảo thông suốt  toàn tuyến, thực hiện đúng quy mô, chất lượng. Việc sử dụng nguồn vốn dư này phải hiệu quả. 

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ hơn việc giải trình để xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới đây.

Trong tổng số vốn dư hơn 14.000 tỷ trái phiếu Chính phủ, cụ thể đã giảm 4.485 tỷ đồng do chênh lệch giữa tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án và tổng mức đầu tư các dự án đã được phê duyệt; thời điểm xây dựng tổng nguồn của các dự án để đưa vào Nghị quyết số 65 đã phê duyệt dự án đầu tư của 25/30 dự án, còn 5 dự án chưa phê duyệt dự án đầu tư mà chỉ dự kiến tổng mức đầu tư; đến nay, đã phê duyệt dự án đầu tư của 30 dự án nên có sự chênh lệch phần kinh phí này.

Bên cạnh đó, giảm được 1.070 tỷ đồng do tiết giảm 5% chi phí xây lắp, chi phí tư vấn và chi phí khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Giảm 9.104 tỷ đồng do công tác giải phóng mặt bằng sớm được hoàn thành, dẫn đến chi phí  giảm; thời gian thi công rút ngắn khoảng 1 năm so với dự kiến ban đầu nên tỷ lệ dự phòng bình quân của các dự án giảm khoảng 15% so với quyết định phê duyệt dự án là 26%.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, Bộ GTVT đã có những chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ từ các khâu: thiết kế, dự toán, biện pháp thi công cho phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật và giảm giá thành công trình…

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:5448
Lượt truy cập: 176.146.414