ĐB Quốc hội đánh giá cao việc hạ tầng giao thông thăng hạng
Ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH xung quanh đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về mức thăng hạng ngoạn mục hạ tầng GTVT Việt Nam bên hành lang Quốc hội.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội):
Hạ tầng giao thông đột phá cả “lượng” lẫn “chất”
Hạ tầng giao thông giai đoạn vừa qua chúng ta làm rất tốt, ở gần như tất cả các vùng miền. Cơ sở hạ tầng giao thông được nâng lên đã kéo theo sự phát triển kinh tế, xã hội. Việc này đối với vùng sâu, vùng xa, vùng núi vô cùng quan trọng. Giao thông được cải thiện, đường sá thuận lợi thì ngoài việc tạo ra của cải vật chất còn nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Có thể nói, hạ tầng giao thông của chúng ta đã đột phá cả “lượng” lẫn “chất”, góp phần đắc lực vào sự phát triển chung của đất nước. Nhiều nơi được thay đổi hoàn toàn diện mạo nhờ các dự án giao thông. Có những công trình đặc sắc như cầu Nhật Tân, đường Hồ Chí Minh khiến cử tri rất phấn khởi, vui mừng.
Chúng tôi ủng hộ việc phát triển hạ tầng giao thông phải luôn đi trước một bước. Nhưng để người dân được hưởng trọn vẹn lợi ích từ hạ tầng giao thông về lâu dài thì mỗi dự án cần có sự tính toán sát sao. Ngoài ra, nên chú ý phát triển hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy nhằm giảm tải cho đường bộ.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM):
Góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh
Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu thể hiện qua bốn yếu tố: thể chế, môi trường kinh doanh, kết cấu cơ sở hạ tầng, kết nối mềm (nhân lực, y tế, giáo dục). Riêng về cơ sở hạ tầng giao thông, những năm qua ngân sách Nhà nước đã dành một nguồn nhất định để tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Vì thấy được tầm quan trọng này nên nguồn vốn trong đầu tư công dành cho cơ sở hạ tầng lớn, giúp chúng ta giải quyết được vấn đề giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí vận tải, từ đó nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế.
Đặc biệt ngành Giao thông vận tải vừa qua làm rất tốt việc rà soát các dự án, hạng mục để tiết kiệm, cắt giảm những khoản không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cơ sở hạ tầng giao thông được nâng cao cũng góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh chung của cả nước, đồng thời giúp giảm chi phí xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần phát triển kinh tế.
ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc):
Tạo bước phát triển đột phá cho địa phương
Tôi đánh giá cao sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông trong những năm vừa qua. Trong sự phát triển chung, phải đánh giá đúng mức là thành tựu đạt được của hạ tầng giao thông đã tạo ra một bước phát triển đột phá.
Ngay cả tư duy của Chính phủ cũng như của Bộ GTVT về việc cổ phần hóa tôi cũng rất đồng tình. Theo tôi, Nhà nước chỉ nắm giữ những gì thật cần thiết mà tư nhân không làm được, còn chúng ta nên theo xu hướng xã hội hóa, nếu tư nhân quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn thì hãy để họ quản lý. Đây là vấn đề còn tranh cãi rất nhiều nhưng tôi cho rằng nếu như vậy Nhà nước sẽ thu được nguồn tiền để tiếp tục đầu tư.
Riêng tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đạt nhiều thành tựu tốt, đặc biệt chỉ trong 9 tháng đầu năm đã đạt 82% tổng GDP đặt ra, trong đó giao thông thể hiện sự đóng góp và vai trò rất rõ vì chúng tôi có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Bên cạnh đó, quy hoạch của giao thông Vĩnh Phúc được thực hiện tốt, được đánh giá phát triển tốt và đi đầu.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):
Chấm dứt cảnh “ngăn sông cách núi”
Trên diễn đàn Quốc hội, tôi đã từng phát biểu “thóc đến đâu bồ câu đến đó”, nghĩa là hạ tầng giao thông phát triển sẽ góp phần thúc đẩy KT-XH rất lớn. Chẳng hạn như trước đây, ở Đồng bằng sông Cửu Long hầu như phải di chuyển bằng xuồng ghe nên rất bất tiện. Ở vùng núi, vùng sâu xa thì có những khi vẫn phải vận chuyển người bệnh bằng võng, bằng cáng, nhưng giờ đây, khi có đường sá, mọi thứ đã khác rồi. Giao thông phát triển là động lực phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước.
Giao thông phát triển thì bộ mặt địa phương cũng thay đổi. Đơn giản về hoạt động sản xuất, nếu giao thông thuận tiện thì chắc chắn việc tiêu thụ hàng hóa dễ dàng hơn, nhiều người tìm đến mua bán, đầu tư hơn. Trong sản xuất áp dụng khoa học công nghệ, đều nhờ cơ sở giao thông thuận tiện mới có thể sản xuất lớn được. Như trước đây giao thông chưa thuận tiện thì làm sao sản xuất lớn được, sản xuất cũng không tiêu thụ được vì vẫn còn “ngăn sông cách núi”. Giờ đây, nhiều dự án giao thông hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giải quyết được tất cả những khó khăn ấy.
ĐB Bùi Đức Thụ (Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Tiền đề để phát triển KT-XH nhanh, bền vững
Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta được phát triển khá nhanh, được người dân và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Để đạt được kết quả đó, ngoài việc ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn NSNN, vốn TPCP thì công tác quản lý, xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cũng được chú trọng và đẩy mạnh. Nhiều tuyến đường huyết mạch đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Nhiều cảng biển, càng hàng không, tuyến đường thủy, đường sắt cũng được triển khai đầu tư.
Việc chú trọng, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ góp phần tạo môi trường hấp dẫn đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mà còn góp phần phát triển thương mại, dịch vụ giữa các vùng miền, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Có thể nói, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng, hạ tầng KT-XH nói chung là một trong những điều kiện, tiền đề để phát triển KT-XH nhanh, bền vững.
Trong điều kiện bội chi NSNN cao trong nhiều năm, nợ công lớn thì cần thiết phải đổi mới nhận thức, đổi mới quản lý, tìm ra những hình thức huy động vốn đa dạng từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, từ việc nhượng quyền khai thác các cơ sở hạ tầng giao thông hiện có để đầu tư. Việc đầu tư phải có lộ trình, ưu tiên các dự án cấp bách, bảo đảm tính hiệu quả, đồng bộ của hệ thống giao thông, phù hợp với khả năng cân đối của NSNN, của việc huy động các nguồn lực và đóng góp của người dân, không làm ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.