Đề xuất mở đường vận chuyển container trực tiếp Việt Nam - Ấn Độ

Thứ hai, 02/11/2015 16:02

Chiều nay (2/11), tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã có buổi tiếp và làm việc với bà Shrimati Preeti Saran, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. Lãnh đạo các Vụ Hợp tác quốc tế; Khoa học công nghệ; các Cục Hàng hải VN, Hàng không VN cùng dự buổi làm việc.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Shrimati Preeti Saran

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Shrimati Preeti Saran

Cảm ơn Bộ GTVT phối hợp với chặt chẽ với Đại sứ quán Ấn Độ trong hợp tác song phương giữa hai nước liên quan đến lĩnh vực GTVT, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Shrimati Preeti Saran cho biết: Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời điểm hiện tại tốt đẹp hợp bao giờ hết. Hợp tác song phương thời gian vừa qua tăng trưởng liên tục. Hai năm trước đây tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước là 5 tỷ USD thì đến nay đã là 9 tỷ USD.

“Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Ấn Độ vào năm 2014, Thủ tướng của hai nước đã thống nhất, kinh tế thương mại được coi là ưu tiên trong chiến lược song phương giữa hai nước. Chủ trương của chúng tôi là đẩy mạnh để kết nối cộng đồng doanh nghiệp của Ấn Độ và Việt Nam, tăng cường hợp tác hơn nữa quan hệ thương mại song phương cũng như đầu tư song phương”, bà Đại sứ nhấn mạnh.

Để làm được điều này, theo bà Đại sứ thì Bộ GTVT có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là việc kết nối về đường bộ, đường hàng không và đường biển giữa hai nước.

Riêng về kết nối bằng đường biển, bà Đại sứ cho biết: Thực tế với tốc độ tăng trưởng kinh tế thương mại song phương giữa hai nước rất nhanh, lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng lớn. Năm 2013 hai bên đã ký Hiệp định trong lĩnh vực hàng hải. Tuy nhiên, trên thực tế cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải chờ đợi đến khi lượng hàng hóa giao dịch lớn thì mới bắt đầu triển khai các hoạt động hợp tác và điều này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thương mại. Trong khi đó, hầu hết các hàng hóa từ Ấn Độ sang Việt Nam đều phải quá cảnh sang Singapore, từ đó kéo dài thời gian vận tải đến 2-3 tuần.

Trên cơ sở đó, bà Đại sứ thông báo với Thứ trưởng về việc sẽ đưa vấn đề này đến Tổng công ty Hàng hải Ấn Độ và yêu cầu Tổng công ty mở tuyến đường vận chuyển container trực tiếp từ Ấn Độ sang Việt Nam. Đồng thời, Đại sứ đề nghị Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan để tiến hành trao đổi với phía Ấn Độ về nội dung này.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ đề xuất mở đường vận chuyển container trực tiếp Việt Nam - Ấn Độ

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ đề xuất mở đường vận chuyển container trực tiếp Việt Nam - Ấn Độ

Bên cạnh đó, bà Đại sứ cũng mong muốn sẽ được quý Bộ chia sẻ các dự án mà Bộ GTVT sẽ kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia để các doanh nghiệp Ấn Độ tìm kiếm cơ hội tham gia vào lĩnh vực GTVT.

Bảy tỏ vui mừng trước sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho rằng, hợp tác GTVT giữa hai nước chưa thực sự phát triển và còn nhiều tiềm năng.

Đối với đề xuất của bà Đại sứ liên quan đến vận tải biển giữa hai nước, Thứ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải VN cũng như các doanh nghiệp vận tải khác để nghiên cứu mở đường vận tải hàng hóa trực tiếp giữa hai nước mà không phải qua trung chuyển; đồng thời giao Cục Hàng hải VN là đầu mối trực tiếp về vấn đề này.

Thứ trưởng cũng hoan nghênh các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh đầu tư vào đường bộ, hàng không và hàng hải. Bộ GTVT cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Ấn Độ nói riêng đầu tư có hiệu quả.

Cũng tại buổi làm viêc, hai bên đã có trao đổi các nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề kết nối giao thông đường bộ, đường hàng không giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung về vấn đề thúc đẩy kết nối các tuyến đường bộ giữa Ấn Độ và ASEAN, Ấn Độ - Việt Nam, Lào, Campuchia; mở đường bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ; một số nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng quyền khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tại đây, hai bên cũng đã thống nhất thành lập Nhóm công tác chung về hàng hải và Nhóm công tác chung về hàng không với đại diện của hai nước để hai bên có thể tham vấn trực tiếp với nhau nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan.

K.A
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:124748
Lượt truy cập: 176.357.538