Theo báo cáo của Nhà đầu tư về hiện trạng tuyến luồng, hiện nay, đoạn luồng từ phao số “0” đến Cảng CM-TV đã được nạo vét và đưa vào khai thác từ tháng 03/2011. Với chiều dài khoảng 41km, đáy luồng hàng hải được thiết kế rộng 310m đối với đoạn từ phao số “0” đến thượng lưu sông Gò Gia, độ sâu trung bình từ 12-14m.
Ngoài ra, đoạn luồng từ phao “0” đến cặp phao “8”, “9” là đoạn luồng cửa ngõ phục vụ cho 3 khu cảng lớn của Nhóm cảng biển số 5 là Cảng TPHCM, Đồng Nai và Vũng Tàu bao gồm cả khu cảng CM-TV, đây là đoạn luồng có mật độ phương tiện rất lớn, đã từng xảy ra các tai nạn va chạm và mắc cạn. Bên cạnh đó, hiện nay các cảng tại khu vực Cái Mép như Tân Cảng, CMIT, ODA Cái Mép, SP-SSA… đang được chuẩn bị để khai thác trung chuyển container quốc tế, do đó tuyến luồng vào khu cảng này cũng cần phải xem xét cải tạo để có thể đón được thường xuyên các tàu trọng tải lớn hơn 120.000DWT hành hải, tạo sự thu hút hấp dẫn đối với các hãng tàu tới khu vực này. Vì vậy, việc nâng cấp đoạn luồng từ phao số “0” đến Cảng CMIT là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu vận tải.
Căn cứ nhu cầu khai thác luồng theo các giai đoạn phát triển cảng, luồng, lượng hàng thông qua luồng và tổng số lượt tàu qua luồng theo dự báo, Nhà đầu tư đề xuất quy mô nâng cấp đoạn luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” đến Cảng CMIT với tổng chiều dài khoảng 30km; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.376 tỷ đồng; phạm vi đáy luồng hàng hải rộng 350m; độ sâu nạo vét đạt -15,5m; đảm bảo mục tiêu tăng năng lực thông qua do quy mô hiện hữu không đáp ứng; tiếp nhận tàu lớn từ 80.000 - 160.000DWT đầy tải ra vào 24/24h chuyên đi tuyến biển xa; tạo sức hút nguồn hàng trung chuyển quốc tế; thời gian thực hiện vào năm 2018.
Đầu tư nâng cấp đoạn luồng tàu biển CM-TV từ phao số “0” đến Cảng CMIT theo hình thức BOT
góp phần nâng cao hiệu quả khai thác gắn liền với việc phát triển bền vững môi trường trên tuyến luồng
Tại cuộc họp, đại diện các Vụ, Cục chuyên ngành đã đề nghị Nhà đầu tư làm rõ hiệu quả kinh tế của Dự án; sự cần thiết và tính hiệu quả đầu tư nạo vét luồng đến cao trình -15,5; phương án tài chính, cơ chế và thời gian hoàn vốn cho Dự án.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công hoang nghênh Nhà đầu tư đã có đề xuất Dự án này phù hợp với chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa hàng hải nói riêng. Tuy nhiên, đây là dự án khác biệt rất nhiều so với các dự án xã hội hóa lĩnh vực đường bộ.
Thứ trưởng đề nghị Nhà đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu đưa ra một số phương án tài chính, phương án thu tất hoặc thu một phần khi nạo vét Dự án này đến độ sâu -15,5m, đảm bảo lợi ích hài hòa của Nhà nước và doanh nghiệp; đánh giá, làm rõ ý nghĩa tác động kinh tế - xã hội. Thứ trưởng cũng yêu cầu về mặt kỹ thuật, đưa ra phương án đầu tư; tính toán ảnh hưởng của việc nạo sâu đến sa bồi, sạt lở, tác động môi trường khu vực của Dự án.
Thứ trưởng yêu cầu đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện Hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật của Dự án này để trình Bộ GTVT thẩm định.
Trước đó, ngày 22/6/2015, Bộ GTVT đã có Văn bản số 7937/BGTVT-ĐTCT chấp thuận cho Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hải dầu khí Hưng Thái (nhà đầu tư) được nghiên cứu lập đề xuất đầu tư Luồng tàu biển CM-TV theo hình thức BOT. Trên cơ sở Báo cáo giữa kỳ của Dự án nghiên cứu tổng thể, toàn diện tuyến luồng tàu biển CM-TV đã được Bộ GTVT thông qua, Nhà đầu tư đã tiến hành triển khai lập đề xuất Dự án.
Theo đó, mục tiêu của Dự án là nghiên cứu đầu tư nâng cấp tuyến luồng CM-TV (từ phao số “0” đến khu cảng CMIT) theo hình thức BOT, phù hợp với nghiên cứu tổng thể toàn diện tuyến luồng (từ phao số “0” đến khu cảng Gò Dầu) nhằm làm cơ sở phát triển hệ thống Cảng CM-TV theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển VN đến năm 2020, định hướng đến năm 30 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đề xuất các giải pháp khai thác an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác gắn liền với việc phát triển bền vững môi trường trên tuyến luồng CM-TV.
VH