Đánh giá về việc thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2012 - 2015, UBND TP Hà Nội nhận định, Chương trình đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Ùn tắc giao thông trên phố Giảng Võ
Sau 3 năm, số điểm ùn tắc giao thông đã giảm từ 89 điểm xuống còn 51 điểm; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng đã được giải quyết cơ bản. Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân (tốc độ tăng trung bình khoảng 10% năm), việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông còn kháo khăn… Dự báo tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP sẽ còn phức tạp, nhất là khu vực nội đô từ đường Vành đai 3 trở vào và trên một số tuyến đường trục hướng tâm, đường vành đai… Việc tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 là cần thiết.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, ngoài các nhiệm vụ như tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; kiểm tra xử lý các vi phạm; phân luồng, cải tạo, sửa chữa hoặc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông độc lập (dự kiến sẽ cải tạo 50 tuyến đường, nút giao và lắp đặt 65 nút đèn tín hiệu)… Chương trình sẽ tiếp tục 10 dự án đầu tư xây dựng có vai trò giảm ùn tắc giao thông đã được phê duyệt danh mục giai đoạn 2012 - 2015, đồng thời triển khai 6 dựa án khác như xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, cầu vượt tại nút giao thông Quốc lộ 5 - Trâu Quỳ, xây dựng Trung tâm quả lý điều hành giao thông công cộng, triển khai giai đoạn 2 dự án nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông… UBND TP đưa ra mức dự kiến tổng kinh phí để thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 là 2.167 tỷ đồng và được phân bổ chi tiết theo từng năm.