Vì sao các doanh nghiệp ngành GTVT cổ phần hóa thành công?

Thứ năm, 10/12/2015 13:12

Chủ động tìm kiếm, cung cấp thông tin và thu hút nhà đầu tư đã giúp nhiều doanh nghiệp giao thông vận tải thực hiện thành công cổ phần hóa.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc sắp xếp, đổi mới phát triển doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đại diện các đơn vị đã thực hiện cổ phần hóa thành công trong thời gian qua đều có chung nhận định, để thực hiện tốt cổ phần hóa (CPH), doanh nghiệp cần phải chủ động cung cấp thông tin, tích cực tìm kiếm, thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO nhằm tạo thêm niềm tin, sức hút đối với các nhà đầu tư khác; kiên quyết giảm tỷ lệ nắm giữ, cáo bạch công khai lộ trình, hình thức thoái vốn nhà nước cho các nhà đầu tư.

Kiên quyết nhưng mềm dẻo để đạt mục tiêu

Kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) chia sẻ, đối với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cần phải kiên định mục tiêu tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, VNA xác định, nhà đầu tư chiến lược phải thực sự có tiềm năng và có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp. Khi ưu tiên chọn một nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ, có khả năng hỗ trợ phát triển tổng thể VNA nhiều vấn đề trong 5-10 năm tới sẽ nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

“Các nhà đầu tư tiềm năng đã chuẩn bị nghiên cứu, đánh giá rất kỹ trước khi có quyết định đầu tư, do vậy việc chuẩn bị đầy đủ thông tin, thành lập các nhóm làm việc để trao đổi thông tin là công việc vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tiên. Quá trình đàm phán sẽ phát sinh rất nhiều những khuyết điểm theo pháp luật của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, điều này đòi hỏi hai bên cần thiết phải trao đổi tìm kiếm giải pháp phù hợp. Do vậy, cần bố trí cơ quan thường trực và đội ngũ chuyên nghiệp để đàm phán, xử lý các vấn đề phát sinh, thống nhất phối hợp trong quá trình đàm phán”, ông Minh bày tỏ.

Bệnh viện GTVT TW là đơn vị sự nghiệp công lập chuyên về y tế đầu tiên của cả nước
thực hiện thí điểm thành công CPH. (Ảnh: Báo Giao thông)

Cũng theo ông Minh, việc kiên trì đàm phán để bảo vệ tối đa lợi ích của nhiều khi sẽ dẫn đến những xung đột. VNA đã luôn phải vừa kiên quyết vừa mềm dẻo để đạt được mục tiêu, tìm kiếm nhà đầu tư thực sự đủ mạnh, có thiện chí để hỗ trợ VNA nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và hiệu quả kinh doanh.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) chia sẻ, trong việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, khó nhất vẫn là công tác xác định, sắp xếp thu gọn các đầu mối. Trong khi Đầu mối của mỗi đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty ĐSVN là hàng chục nghìn người, nên công tác sắp xếp phải được làm rất kỹ, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên.

Mặc dù công việc này vô cùng khó khăn, nhưng đến hết năm 2014, Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức thu gọn sắp xếp lại các công ty con. Sau khi sắp xếp xong phù hợp với cơ chế thị trường, phù hợp với điều kiện kinh doanh, Tổng công ty ĐSVN đã tiến hành chuyển đổi sang Công ty TNHH một thành viên.

“Quá trình thực hiện phải tiến hành cùng lúc nhiều việc, vừa đổi mới vừa sắp xếp vừa tiến hành CPH… những công việc này được tiến hành đồng bộ như khi thực hiện các công trình khẩn cấp: Vừa thiết kế vừa thi công, nếu cứ đợi thiết kế xong mới thi công thì phải vài năm sau mới xong. Với tinh thần công khai, dân chủ, Tổng công ty ĐSVN đã kịp thời giải đáp mọi trăn trở, thắc mắc của cán bộ công nhân viên và thực hiện sắp xếp, đổi mới để doanh nghiệp phát triển, khắc phục những tồn tại yếu kém”, ông Thành chỉ rõ.

Ông Thành cũng cho biết, trong quá trình triển khai, Tổng công ty ĐSVN cũng gặp vướng mắc bởi rất nhiều cơ chế. Tuy nhiên tất cả những vướng mắc, khó khăn đều được tập hợp, báo cáo về Bộ GTVT trình Chính phủ kịp thời tháo gỡ, chỉ đạo triển khai nhanh chóng và kịp thời.

Hóa giải ngay tâm lý lo lắng

Một kinh nghiệm khác cũng được Bác sỹ Trần Trung, Giám đốc Bệnh viện GTVT Trung ương cho biết khi bệnh viện là một đơn vị sự nghiệp công lập chuyên về y tế đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm CPH. Lãnh đạo bệnh viện đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương và các bước tiến hành CPH cho toàn thể tập thể cán bộ viên chức trong bệnh viện một cách công khai.

Mặt khác, bệnh viện GTVT Trung ương có mời bộ phận phụ trách đổi mới doanh nghiệp của Bộ GTVT, Tư vấn cổ phần hóa của nhà đầu tư chiến lược đến đối thoại, giải thích, trả lời những khúc mắc của người lao động. Đồng thời, bệnh viện xin ý kiến của các khoa, phòng, của mỗi cán bộ công nhân viên trong việc xây dựng phương án kinh doanh theo CPH, giải quyết chế độ cho người lao động…

“Tâm lý lo lắng trước khi CPH đã được thay thế bằng không khí háo hức chờ đợi sự thay đổi về quản trị mới, phong thái làm việc mới và hy vọng vào sự phát triển ổn định. Việc thực hiện IPO thành công ngoài mong đợi khi có tới 33 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia, giá cổ phiếu khá cao bình quân 23.597 đồng/CP là minh chứng cho việc CPH đơn vị sự nghiệp công là hoàn toàn có thể thực hiện được, với điều kiện là quá trình tiến hành CPH phải được sự chỉ đạo quyết liệt, minh bạch và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc”, Bác sỹ Trung chia sẻ bí quyết.

Cũng theo Bác sỹ Trần Trung, việc chuyển sang mô hình công ty cổ phần đã giúp Bệnh viện GTVT Trung ương nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bởi lẽ tham gia quản trị bệnh viện là các nhà đầu tư có kinh nghiệm, cùng với đội ngũ lãnh đạo bệnh viện đã điều chỉnh, triển khai quy trình quản trị mới hiện đại hơn.

“Đây là vinh dự, cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với toàn thể cán bộ công nhân việc Bệnh viện GTVT Trung ương, nơi hầu hết các cán bộ viên chức chuyên ngành y chỉ biết khám, chữa bệnh đơn thuần”, Bác sỹ Trung nhận định./.

Nguồn: vov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:13806
Lượt truy cập: 176.393.423