Cà Mau: Quyết liệt các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông

Thứ hai, 25/01/2016 10:14

“Năm 2016, các địa phương phấn đấu giảm ít nhất từ 5-10% tai nạn giao thông (TNGT) so với năm 2015, kiên quyết không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Muốn làm được điều này, các địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa TNGT, nhất là công tác tuyên truyền”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị.

Sau bốn năm liên tiếp (2011-2014) kiềm giảm TNGT, năm 2015, TNGT trên địa bàn tỉnh Cà Mau lại tăng đột biến, tăng cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm 2014 khi toàn tỉnh xảy ra 64 vụ TNGT, làm chết 25 người, bị thương 87 người. TNGT tăng, nguyên nhân là do một số nơi chính quyền địa phương chưa quan tâm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông quá kém, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT đôi lúc còn buông lỏng.
 
Quản lý chặt giao thông đường thuỷ
 
Hiện nay, phương tiện giao thông đường thuỷ tuy có giảm nhiều so với trước đây, nhưng hoạt động vẫn rất phức tạp. Bởi hệ thống biển báo chưa hoàn chỉnh, nhiều phương tiện thuỷ nội địa chưa đăng ký, đăng kiểm, phương tiện vận tải, nhất là vận tải khách du lịch chưa đảm bảo các điều kiện an toàn, bến thuỷ nội địa, bến khách ngang sông chưa được quản lý chặt chẽ…
 
 Các ngành chức năng cần siết chặt quản lý hoạt động các bến khách ngang sông.
 
Hiện toàn tỉnh có 86 bến khách ngang sông hoạt động không phép và 52 đò đưa rước học sinh không đảm bảo ATGT. Bên cạnh đó, tình trạng người dân đặt nò, đó, vó, hàng đáy… chiếm luồng chạy tàu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đó là sự cộng hưởng của nguyên nhân làm gia tăng TNGT đường thuỷ trong năm 2015, toàn tỉnh xảy ra tám vụ, làm chết sáu người, bị thương năm người,
 
TNGT đường thuỷ thường không trực tiếp làm chết người, mà đa số tử vong là do ngạt nước khi đã ngất xỉu bởi tai nạn và rơi xuống sông. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn người dân vẫn còn chủ quan với việc mặc áo phao khi đi trên sông nước và việc trang bị áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân vẫn chưa được các chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông quan tâm.
 
Để đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ trong năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu ngành chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải hàng hoá, khách du lịch, cũng như giám sát chặt chẽ việc sát hạch cấp chứng chỉ chuyên môn, bằng thuyền trưởng… Đồng thời, các địa phương cần tăng cường biện pháp xử lý tình trạng đặt chướng ngại vật lấn chiếm luồng, tuyến giao thông, không chỉ kiểm tra rồi tháo gỡ mà phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục người dân ý thức chấp hành, đảm bảo thông thoáng sau khi thanh thải.
 
Đối với những bến khách ngang sông hoạt động không phép, hiện đã được Ban ATGT tỉnh liệt kê danh sách từng điểm cụ thể ở mỗi địa phương, chính quyền nơi đó cần theo dõi và xử lý dứt điểm trong thời gian tới.
 
Xử lý trách nhiệm
 
Năm 2015, TNGT đường bộ xảy ra 56 vụ, làm chết 19 người và bị thương 82 người. Nguyên nhân chủ yếu các vụ tai nạn là do điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống bia, rượu vượt quá nồng độ cồn, chạy quá tốc độ cho phép, tránh, vượt không đúng quy tắc...
 
Mặt khác, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn, vỉa hè vẫn còn diễn ra phức tạp, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng với nhu cầu tăng nhanh của phương tiện như hiện nay. Tính trong năm 2015, toàn tỉnh có trên 39.000 phương tiện cơ giới đường bộ được đăng ký, nâng tổng số cơ giới đường bộ đăng ký quản lý hiện nay trên 420.000 phương tiện. Trong khi, nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn quá chật hẹp, nhiều tuyến tỉnh lộ, đường trung tâm nội ô xuống cấp nghiêm trọng, đó cũng là những nguyên nhân gián tiếp làm gia tăng TNGT.
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, để kéo giảm TNGT đường bộ trong năm 2016, UBND các huyện và TP Cà Mau cần xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện ngay tại địa phương mình. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và kiên quyết xử lý tình trạng cất nhà trái phép trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, chiếm dụng lòng đường để tổ chức tiệc cưới, liên hoan…
 
Sở GD&ĐT phải quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo các trường học đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh, sinh viên và cả giáo viên, viên chức trực thuộc. Đồng thời, yêu cầu học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh ký cam kết tuân thủ chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, có biện pháp xử lý nghiêm học sinh, sinh viên vi phạm và kiểm điểm trách nhiệm hiệu trưởng nhà trường nơi đó.
 
“Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đồng nghĩa với nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT trong năm 2016, cũng như giai đoạn 2016-2020. Đề nghị Sở Giao thông vận tải kiểm tra mức độ chuyển biến của từng địa phương ngay sau khi triển khai kế hoạch công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2016 của Ban ATGT tỉnh. Nếu đơn vị, cơ quan, chính quyền địa phương nào không làm tốt trách nhiệm của mình, không quản lý tốt địa bàn, để TNGT gia tăng thì người đứng đầu đơn vị, cơ quan, chính quyền địa phương nơi đó sẽ bị xử lý trách nhiệm”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh./.
 

Nguồn: Báo Cà Mau

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:2400
Lượt truy cập: 176.390.756