Phú Thọ: Động lực từ phát triển giao thông nông thôn

Thứ tư, 24/02/2016 08:40

Trong năm qua, cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được tập trung đầu tư phát triển, qua đó giúp cho nhân dân đi lại thuận tiện, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thuận lợi và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương trong tỉnh.

Lâm Thao là một trong những địa phương điển hình của tỉnh trong việc huy động nguồn lực  phát triển GTNT. Trong năm qua toàn huyện đã hoàn thành làm mới 40 tuyến GTNT với tổng chiều dài 50km và 7 tuyến QL, TL, HL với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp trên 42 tỷ đồng và hiến trên 10.000m2 đất), qua đó nâng tỷ lệ đường GTNT được cứng hóa của toàn huyện đạt 97,67%, tăng  gần 30% so với năm 2014. Nhờ có mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện phát triển đồng bộ đã tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện, giúp lưu thông hàng hóa thuận lợi, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đặc biệt đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM đầu tiên của tỉnh.

Ông Trịnh Thế Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao cho biết: Thành công này trước hết có vai trò rất quan trọng của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ huyện tới cơ sở trong việc sát sao lãnh chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ lợi ích của việc phát triển GTNT, từ đó tích cực tham gia ủng hộ phong trào, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, các địa phương luôn đề cao quy chế dân chủ ở cơ sở. Các bước triển khai thực hiện đều được công khai, minh bạch, có sự bàn bạc, thống nhất của nhân dân. Quá trình thực hiện đều có sự tham gia kiểm tra, giám sát của nhân dân, nhờ đó tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình của hầu hết mọi người dân đối với phong trào.

Không chỉ ở Lâm Thao, phong trào phát triển GTNT cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên nhận thức đại bộ phận nhân dân đã được nâng cao và điều này được thể hiện rất rõ thông qua kết quả huy động nguồn lực trong nhân dân để làm GTNT. Bên cạnh việc tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức, rất nhiều người dân còn tự nguyện hiến hàng chục ngàn m2 đất để làm đường GTNT. Đây thực sự là những việc làm rất đáng ghi nhận cần được nhân rộng.

Nhờ huy động tốt các nguồn lực, đến nay 100% các tuyến đường trong khu Hòa Phong – phường Minh Nông đã được bê tông hóa, giúp việc đi lại của nhân dân thuận lợi hơn

Nhờ huy động tốt các nguồn lực, đến nay 100% các tuyến đường trong khu Hòa Phong – phường Minh Nông
đã được bê tông hóa, giúp việc đi lại của nhân dân thuận lợi hơn


Theo báo cáo của Ban chỉ đạo GTNT tỉnh, trong điều kiện không ít khó khăn, song với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành cùng  sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, do vậy  phong trào xây dựng GTNT trên địa bàn tỉnh trong năm qua tiếp tục đạt được những kết quả hết sức phấn khởi. Hết năm 2015, toàn tỉnh thực hiện duy tu được tổng số 2.661km đường các loại, đạt 85% so với kế hoạch;  đường làm mới 158 km, đạt 158%  KH; đường cải tạo nâng cấp gần 573 km, đạt 197% KH; sửa chữa 3 cầu với tổng chiều dài 19m  vượt 100% KH; làm mới 5 tràn với chiều dài 320m đạt 41% KH; sửa chữa 1 tràn với chiều dài 35m vượt 100% so với KH; làm mới 719 cống  với chiều dài 4.782m. Tổng kinh phí huy động làm GTNT đạt trên 1.526 tỷ đồng bằng 196,3% so với kế hoạch. Trong đó:  Ngân sách tỉnh, Trung ương trên 1.118 tỷ đồng; ngân sách huyện trên 135 tỷ, ngân sách xã 40 tỷ, nhân dân đóng góp gần 209 tỷ, các nguồn khác trên 23 tỷ đồng.

Khác với những năm trước đây, năm 2015 việc huy động vốn phát triển GTNT được thực hiện khá đa dạng, trong đó đã tranh thủ tối đa các nguồn vốn của Trung ương, của các bộ, ngành, lồng ghép có hiệu quả từ các chương trình dự án như: Chương trình 134, 135, chương trình 229 chương trình xây dựng NTM; vốn huy động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân. Các huyện có tỷ lệ huy động vốn vượt kế hoạch cao là: Hạ Hòa, Thanh Ba, Tam Nông, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tân Sơn... Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, coi GTNT là công trình của dân, do dân tự làm, dân tự kiểm tra, mọi công việc đều được thực hiện một cách công khai, bàn bạc dân chủ nên tiếp tục được nhân dân tích cực hưởng ứng cao. Ngoài việc đóng góp tiền, nhiều nơi nhân dân còn tham gia hiến đất để làm đường GTNT với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Điển hình trong việc huy động vốn trong nhân dân đạt cao là các huyện: Thanh Ba đạt 439,9% kế hoạch; huyện Phù Ninh đạt 194% kế hoạch, huyện Tân Sơn 401% kế hoạch, huyện Đoan Hùng đạt 200% kế hoạch... Các bước triển khai xây dựng GTNT được thực hiện một cách công khai, dân chủ nên tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân. Công tác quản lý chất lượng công trình được đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã phân cấp quản lý đầu tư cho các huyện từ khâu thiết kế dự toán đến nghiệm thu thanh quyết toán, cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn các chỉ tiêu kỹ thuật. Bởi vậy chất lượng công trình được đảm bảo và tiết kiệm, công trình sau khi được nghiệm thu bàn giao cho các khu dân cư quản lý khai thác sử dụng, đã phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào phát triển GTNT trong năm qua cũng còn tồn tại hạn chế cần được khắc phục, đó là: Một số chỉ tiêu phát triển GTNT đạt thấp so với kế hoạch. Việc đầu tư còn dàn trải, thiếu dứt điểm, kết cấu quy mô công trình chưa đáp ứng với nhu cầu vận tải. Công tác quản lý công trình sau đầu tư chưa được quan tâm đúng mức. Trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải đối với các tuyến đường khai thác thấp, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng trong công tác bảo vệ các công trình giao thông trong quá trình vận hành...

Mục tiêu mà BCĐ GTNT tỉnh đặt ra trong năm 2016 đó là: Tập trung đầu tư phát triển GTNT đảm bảo chỉ tiêu theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII đã đề ra và lồng ghép có hiệu quả phát triển GTNT gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.  Thực hiện có hiệu quả phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” vận dụng linh hoạt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động nguồn lực của nhân dân phù hợp với khả năng kinh tế của từng địa phương; huy động các thành phần kinh tế cùng tham gia, duy trì sự hỗ trợ của nhà nước, lồng ghép, kết hợp có hiệu quả chương trình dự án vào làm GTNT...

Nguồn: Báo Phú Thọ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:188238
Lượt truy cập: 178.045.661