Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) xã Thới Xuân, đối với các công trình giao thông, công trình phúc lợi công cộng, để đạt được sự đồng thuận của nhân dân, trung bình mỗi công trình địa phương mất từ 3 - 6 tháng để thực hiện công tác tuyên truyền, nắm bắt dư luận. Nhờ vậy, khi triển khai họp dân, đa số bà con đều tán thành chủ trương. Điển hình như trong việc vận động bà con hiến đất, nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông KH5 và bắc cầu Kênh Hậu (ấp Thới Phước) vào cuối năm 2015. Công trình này thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; trong đó, Nhà nước đầu tư mặt cứng, mở rộng đường từ 2m ra 3,5m, nhân dân hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, đóng góp 80 triệu đồng làm cầu Kênh Hậu (tổng số tiền bắc cầu là 140 triệu đồng, UBND huyện hỗ trợ 60 triệu đồng). Chú Thạch Thum, ngụ ấp Thới Phước, phấn khởi nói: "Được chính quyền địa phương tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc mở rộng, nâng cấp cầu đường giao thông, bà con rất đồng tình. Gia đình tôi và các hộ dân trong ấp tự nguyện hiến đất để làm đường". Cô Nguyễn Hà Châu, ngụ cùng ấp, tiếp lời: "Tuyến đường đi qua nhà tôi qua đo đạc tổng cộng là 12 m tới, tôi đóng ngót nghét 1 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương cũng xét miễn giảm đối với các trường hợp hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công trình thi công chất lượng, khang trang, sạch đẹp, bà con rất hài lòng".
![Đường giao thông ấp Thới Bình 1, do Nhà nước và nhân dân cùng làm](/Images/editor/images/T%20BICH/N%C4%83m%202016/52.jpg)
Đường giao thông ấp Thới Bình 1, do Nhà nước và nhân dân cùng làm
Riêng các năm 2014, 2015, địa phương đã huy động sức dân xây dựng 7,4km đường bê-tông (rộng 3,5m), bắc mới 5 cây cầu bê-tông, với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp tiền mặt, hiến đất, hoa màu trị giá hơn 2,5 tỉ đồng.
Cũng nhờ cách làm công khai, dân chủ hợp lòng dân mà giữa năm 2014, bà con ấp Thới Bình 1 đã hiến trên 6.000m2 đất, hoa màu, vật kiến trúc để làm đường bê-tông ấp, dài 4km. Theo nhiều người dân trong ấp, tuyến đường ấp Thới Bình 1, trước kia là đường đất, nhỏ hẹp, việc đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2014, khi xã có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường này theo chuẩn nông thôn mới, bà con rất phấn khởi. Sau khi công trình hoàn thành, bà con ấp Thới Bình 1 còn đóng góp tiền để cùng chính quyền xây dựng 2 cây cầu bê-tông, với chi phí 400 triệu đồng (trong đó, UBND huyện đầu tư 100 triệu đồng, nhân dân đóng góp 300 triệu đồng). Thực hiện công trình, địa phương tổ chức thành lập Ban Vận động, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, cơ cấu từ những người có uy tín, kinh nghiệm trong công tác xây dựng. Ông Hoàng Tuấn Kiệt, thành viên Ban Vận động, kể: "Tôi được bà con tin tưởng bầu vào Ban Vận động. Trong quá trình vận động, đa số bà con trong ấp đều đồng thuận, vui vẻ đóng góp. Sau khi công trình hoàn thành, chúng tôi tổ chức họp dân để báo cáo công tác thu chi tài chính để bà con nắm. Từ ngày đường sá được đầu tư mở rộng, bà con như đổi đời, việc vận chuyển nông sản, hàng hóa đều thuận tiện".
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo QCDC xã Thới Xuân, khẳng định: "Đảng ủy, UBND xã luôn xác định việc thực hiện QCDC là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Đây là điều kiện tiên quyết để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do đó, trong việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng cầu đường giao thông chúng tôi luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đóng góp của bà con. Từ đó, bà con đồng tình và ủng hộ các chủ trương của địa phương". Cũng theo ông Nam, để thực hiện tốt QCDC, Ban chỉ đạo QCDC xã luôn được củng cố kiện toàn, các thành viên trong Ban chỉ đạo được phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng theo từng mảng; hàng tháng, đều tổ chức họp để rút kinh nghiệm và có phương hướng tiếp theo;… Tuy nhiên, trong thực hiện QCDC, địa phương vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Một bộ phận nhân dân ít tham gia hội họp, từ đó chưa nhận thức đúng đắn về các quyền và nghĩa vụ trong việc thực hiện dân chủ và cho đó là việc của chính quyền, đoàn thể xã; một số hộ dân không thể hiện được quyền dân chủ của mình trong việc nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, từ đó việc kiểm tra giám sát và việc thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn nhiều hạn chế, đôi khi còn mang tính hình thức... "Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ, thực hiện tốt QCDC cơ sở" - ông Nguyễn Ngọc Nam khẳng định.