Theo Thượng tá Dương Văn Thành - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Khánh Hòa, Thông tư 91 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ có hiệu lực là tín hiệu vui không chỉ với tài xế mà cả doanh nghiệp vận tải. Bởi hiện nay, hạ tầng giao thông, đường xá được nâng cấp đồng bộ, rộng rãi, hiện đại hơn nhiều so với trước. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tuyến Quốc lộ 1A là khu vực ảnh hưởng nhiều nhất từ thông tư. “Trước khi thông tư có hiệu lực, chúng tôi đã triển khai cụ thể đến các trạm cảnh sát giao thông toàn tuyến quốc lộ. Đồng thời, tổ chức đợt cao điểm trong vòng 1 tháng để xử lý các lái xe vi phạm về tốc độ cùng một số chuyên đề khác. Hiện nay, do nhân lực các trạm còn mỏng nên chúng tôi đã tăng cường thêm để bảo đảm cho nhiệm vụ an toàn giao thông toàn tuyến”, ông Thành cho biết. Cùng với đó, các trạm cảnh sát giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A cũng được trang bị thêm các thiết bị phục vụ công tác, như hệ thống máy đo tốc độ ghi hình ban ngày; đêm máy có thêm định vị để đối phó với các lái xe gắn radar phá sóng máy đo tốc độ của lực lượng thanh tra.
Kiểm tra tốc độ các phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu thực hiện thông tư, hầu hết tài xế cho biết đã nắm quy định mới về việc tăng tốc độ và cho rằng phương tiện được phép lưu thông nhanh hơn trên trục Quốc lộ 1A sẽ tiết giảm được thời gian, kinh phí, tăng tốc độ giao thương và giảm được cả ùn ứ giao thông… Ông Trần Văn Cát, tài xế xe tải tuyến bắc - nam cho rằng đường đẹp, thoáng, việc tăng tốc độ theo quy định mới là phù hợp. Trước đây, đoạn đường quốc lộ trong khu dân cư chỉ được chạy tối đa 50km, nay tăng lên 60km, ngoài khu dân cư tăng từ 80km lên 90km. Tuy nhiên, ông Cát lo ngại “tăng tốc độ đồng nghĩa với việc chúng tôi phải bảo đảm an toàn hơn khi lái xe, nhưng chỉ sợ một số người dân còn thiếu ý thức, qua đường không quan sát sẽ rất nguy hiểm”.
Trong khi đó, khi được hỏi việc tăng tốc độ liệu có gây ra nguy hiểm, tài xế Hoàng Công Tâm, chạy xe tải tuyến Nha Trang - Vạn Ninh cho rằng: “Theo tôi, với quy định như hiện nay thì tai nạn giao thông sẽ giảm chứ không tăng như nhiều người nghĩ. Chẳng hạn, trước đây tốc độ chậm, nhiều tài xế 1 ngày chỉ chạy được 1 chuyến, nếu muốn có thêm thu nhập thì phải chạy bù, chạy thêm chuyến, dẫn đến chạy ẩu. Nay tốc độ tăng lên đồng nghĩa với chi phí cho các chuyến xe sẽ giảm, tài xế sẽ không phải chạy bù nữa”.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra tình trạng người dân sống dọc tuyến Quốc lộ 1A leo qua dải phân cách băng qua đường rất nguy hiểm. Về vấn đề này, Trung tá Bùi Dũng Tuyến - Phó trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Ninh Hòa cho biết: “Hơn 1 tháng nay, khi nhận được Thông tư 91, chúng tôi đã cử các tổ tích cực tuần tra trên tuyến, nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân sống ven quốc lộ để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình. Bắt đầu từ ngày 1/3, chúng tôi ra quân xử phạt nặng các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là các lỗi về tốc độ, lái xe khi đã uống rượu bia, đi ngược chiều…”.
Bên cạnh đó, thông tư còn quy định về khoảng cách giữa các xe, thuộc loại xe cơ giới và xe chuyên dùng khi tham gia giao thông trên đường bộ. Theo đó, khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau: tốc độ từ 60km/giờ khoảng cách là 30m; 80km/giờ khoảng cách 55m; 100km/giờ khoảng cách 70m; 120km/giờ khoảng cách 100m. Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60km/giờ trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn. Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc lớn hơn khoảng cách khi đường khô ráo.
Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT quy định các loại xe cơ giới đường bộ được tăng thêm 10km/giờ tốc độ. Theo đó, tốc độ tối đa cho xe lưu thông trong khu vực đông dân cư: đối với đường hai chiều (có dải phân cách giữa) và đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên được chạy với tốc độ 60km/giờ (trước đây quy định 50km/giờ). Đối với đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới, tốc độ là 50km/giờ (trước đây 40km/giờ).
Tốc độ tối đa cho xe lưu thông ngoài khu vực đông dân cư: đối với đường hai chiều có dải phân cách ở giữa và đường một chiều có hai làn xe trở lên, các loại xe chạy với tốc độ tối đa 60 - 90km/giờ (tùy theo loại xe, trước đây được chạy 50 - 80km/giờ). Đối với đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới, xe chạy 50 - 80km/giờ (tùy theo loại xe). Đối với các loại xe máy, kể cả xe máy điện, tốc độ tối đa không quá 40km/giờ (giữ nguyên tốc độ trước đây) và xe máy chuyên dùng tốc độ tối đa 40km/giờ, tăng 10km/giờ so với trước đây.