Tính đến nay, VEC đã đưa vào khai thác, thu phí các tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai và TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây với tổng chiều dài 350km. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2016, VEC sẽ thông xe đoạn tuyến JICA (65km) Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và đến năm 2018 sẽ đưa vào khai thác toàn tuyến gần 140km. Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, 57,8km, dự kiến thông xe toàn tuyến vào 2019.
Các tuyến đường cao tốc sau khi đưa vào khai thác đều đã và đang phát huy hiệu quả to lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước và các địa phương có tuyến đường đi qua.
Từ khi đưa vào khai thác đến cuối tháng 02/2016, ba tuyến cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư phục vụ khoảng 53 triệu lượt phương tiện; trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phục vụ trên 26 triệu lượt, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai: trên 9,6 triệu lượt, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây: khoảng 17 triệu lượt.
Các tuyến đường cao tốc đang phát huy hiệu quả phát triển KT-XH, bảo đảm AN-QP
Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1)
Giai đoạn I: Đầu tư tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50km, điểm đầu tại Km210 trên Quốc lộ 1A, thuộc Hà Nội; điểm cuối tại Nút giao thông Cao Bồ Km260+030 trên quốc lộ 10, đoạn nối Nam Định - Ninh Bình. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8.974 tỷ đồng (448 triệu USD)
Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ. Dự án là một phần của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, nối dài đường cao tốc từ Bắc Giang qua Bắc Ninh – Hà Nội – Pháp Vân – Cầu Giẽ tới Ninh Bình và chuẩn bị đi tiếp tới Thanh Hóa rồi tới Vinh; góp phần hoàn thiện quy hoạch hệ thống đường cao tốc quốc gia.
Dự án góp phần tăng cường năng lực vận tải hành lang phía Nam của tam giác phát triển kinh tế phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ, tạo điều kiện liên kết với Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, Khu danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư – tỉnh Ninh Bình.
Tính từ 30/6/2012 (thông xe toàn tuyến) đến hết tháng 02/2016 phục vụ trên 26 triệu lượt xe; lưu lượng bình quân 22.000 - 23.000 lượt xe/ngày đêm (trung bình trong 2 tuần đầu của tháng 02 - dịp Tết Bính Thân vừa qua, trung bình có 40.130 lượt xe/ngày đêm; ngày cao điểm đạt 57.130 lượt/ngày đêm), cơ bản đảm bảo an toàn và thuận lợi; mỗi năm tăng khoảng hơn 5 triệu lượt phương tiện lưu thông trên đường; đồng thời, tiết kiệm 15% chi phí vận tải so với lưu thông theo tuyến quốc lộ cũ.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (giai đoạn 1)
Dự án có chiều dài là 245km, điểm đầu Km0-80 (giao với đường nối dài của đường cao tốc Nội Bài- Hạ Long với Quốc lộ 2 tại Km0+450), điểm cuối tại Km244+570 (vị trí đấu nối với đường Trần Hưng Đạo (QL4E đoạn Lào Cai- Cam Đường)). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 30.132 tỷ đồng (1.464 triệu USD).
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, đó là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc. Dự án triển khai góp phần thực hiện thành công thoả thuận cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm, bao gồm: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai kinh tế duyên hải vịnh Bắc Bộ.
Tuyến đường cao tốc này ngoài mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nói chung, còn phục vụ cho việc di dân, tái định cư, tạo đà dịch chuyển cơ cấu kinh tế của đồng bào các dân tộc. Ngoài ra tuyến đường còn tạo sự kết nối các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp của thành phố Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai; góp phần hình thành mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ 21/9/2014 (thời điểm thông xe toàn tuyến) đến hết tháng 02/2016, tổng lưu lượng xe lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đạt trên 9,6 triệu lượt xe, lưu lượng trung bình 17.000 – 18.000 lượt xe/ngày-đêm (trung bình trong 2 tuần đầu của tháng 02 - dịp Tết Bính Thân vừa qua, trung bình có 22.500 lượt xe/ngày đêm), cơ bản đảm bảo an toàn và thuận lợi; mức tăng trưởng lưu lượng đạt 40%, và nếu so với thời điểm bắt đầu đưa toàn bộ Dự án vào khai thác (10/2014) tăng trưởng lưu lượng xe đến nay đạt 76%.
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai được đưa vào thông xe toàn tuyến đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội các khu vực phía Tây Bắc, giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 giờ so với 7 giờ trước đây, đồng thời tiết kiệm 20-30% chi phí vận tải; ước tính 1 năm tiết kiệm cho xã hội khoảng 1.800 tỷ đồng. Ngoài ra, việc đi lại thuận lợi nên du lịch Sa Pa đã tăng trưởng trên 40% so với trước.
Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (giai đoạn 1)
Dự án có chiều dài toàn tuyến 55km; điểm đầu (Km 0): Tại vị trí giao giữa đường Lương Đình Của với trục Đông – Tây, thuộc phường An Phú, Quận 2 TP.HCM; điểm cuối (Km 54+983): Giao với Quốc lộ 1, cách ngã ba Giầu Giây khoảng 2,7 km về phía Hà Nội, thuộc xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 20.630 tỷ đồng (981 triệu USD).
Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây
Dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương , Long An, Tây Ninh, Bình Phước; đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng và giảm bớt ách tắc giao thông hiện có trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu đã sử dụng tối đa năng lực vận tải.
Khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương trong vùng, là nhân tố tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh tuyến đi qua nói riêng và khu kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, rút ngắn hành trình, thời gian đi lại của các phương tiện giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và từng bước hình thành nên mạng lưới đường cao tốc cho khu vực theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
Từ tháng 02/2015 (thời điểm thông xe toàn tuyến) đến cuối tháng 02/2016, tổng lưu lượng xe lưu thông trên cao tốc HLD đạt khoảng 17 triệu lượt xe, lưu lượng xe bình quân trên ngày 28.000-29.000 lượt xe/ngày đêm (trung bình trong 2 tuần đầu của tháng 02 - dịp Tết Bính Thân vừa qua, trung bình có 42.000 lượt/ngày đêm; ngày cao điểm đạt gần 63.600 lượt xe/ngày đêm), cơ bản đảm bảo an toàn và thuận lợi.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp vận tải, lưu thông trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây tiết kiệm được 30% chi phí so với đi theo lộ trình Xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 51. Đối với các đơn vị có tần suất chạy xe cao thì vận tải qua tuyến cao tốc còn phát huy hiệu quả lớn hơn nhiều. 90% chủ phương tiện được hỏi đánh giá mức cước phí ở mức chấp nhận được...
Khi đưa vào thông xe toàn tuyến (tháng 02/2015), các phương tiện đi từ TP. Hồ Chí Minh đi ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1A và hướng đi Liên Khương) theo lộ trình cũ dài khoảng 70km, thời gian lưu thông mất 3 giờ đồng hồ do thường xuyên ùn tắc; nhưng nếu đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian chỉ còn 1 giờ, nhanh hơn 2 giờ so với trước đây.
Qua thống kê của các hãng vận tải, do rút ngắn quãng đường và thời gian lưu thông trên đường nên chi phí vận tải tiết giảm lên tới 20-30%, làm lợi cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm - điều này đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế- xã hội.
Bên cạnh đó, các tuyến đường cao tốc đi qua các địa phương đã tạo ra động lực rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương; tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch vượt trội, đặc biệt ngành Du lịch ở Sa Pa, Vũng Tàu được hưởng lợi rất lớn từ khi có tuyến cao tốc. Rồi các khu công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài của các địa phương cũng tăng trưởng.
Sau khi tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đưa vào khai thác, thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai, Hà Nam, Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh tăng đáng kể, kinh tế-xã hội các địa phương phát triển rõ rệt. Ngoài ra, các ngành khác như giáo dục, y tế cũng phát triển do lợi thế về giao thông.
Khi triển khai các dự án đầu tư đường cao tốc, người dân cũng được hưởng lợi vì ngoài việc được đền bù, Tổng công ty còn hỗ trợ người dân thực hiện chương trình phục hồi thu nhập thông qua các mô hình sản xuất, đào tạo nghề…. Bản thân những hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án đã được tạo điều kiện và đồng thời, khi kinh tế-xã hội địa phương phát triển, các khu công nghiệp, giáo dục, y tế phát triển thì người dân cũng có cơ hội tìm được việc làm và vấn đề an sinh xã hội sẽ tốt hơn. Trên thực tế, các tuyến đường cao tốc đã tạo ra những đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội các địa phương – và điều này được ghi nhận bởi chính quyền và người dân địa phương có các tuyến đường cao tốc đi qua và cũng thường xuyên được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuấn Anh