Hoạt động trên cũng nhằm tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng và Chính phủ, cũng như chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư về “Các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau”.
Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty ưu tiên sử dụng phương tiện vận tải đường sắt để vận chuyển nguyên vật liệu và các sản phẩm đầu ra. Về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ưu tiên cung cấp các dịch vụ vận tải bảo đảm chất lượng tốt nhất, an toàn, chi phí hợp lý. Đảng ủy Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ chỉ đạo cấp ủy và các đơn vị trực thuộc thường xuyên duy tu, bảo dưỡng định kỳ hoặc đột xuất hệ thống đường sắt chuyên dùng; kết nối các đơn vị sản xuất thuộc các tập đoàn, tổng công ty đến các ga có xếp, dỡ hàng; bảo đảm cấp đủ toa xe xếp hàng theo nhu cầu của các đơn vị sản xuất.
Đảng ủy 04 doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác
Các bên sẽ phối hợp tư vấn, thiết kế, xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống đường sắt chuyên dùng; xây dựng mới, đồng thời duy trì, khai thác hiệu quả hệ thống kho, bãi hàng, nhánh đường sắt kết nối; nghiên cứu đổi mới phương thức tổ chức vận chuyển, xếp, dỡ hàng, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Thời gian qua, bốn đảng ủy nêu trên được đánh giá là những đơn vị có nhiều hình thức tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” . Các Đảng ủy đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của doanh nghiệp, tham mưu cấp ủy xây dựng và cụ thể hóa các nội dung về “ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau” thành kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dịch vụ bằng nhiều hình thức đa dạng. Các doanh nghiệp đã nỗ lực tự đổi mới toàn diện, từ công nghệ, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; đến mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm.
Các doanh nghiệp trong Khối có cùng mục tiêu sản xuất kinh doanh đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng và nhu cầu thị trường, và năng lực đáp ứng các sản phẩm, dịch vụ; khả năng liên doanh, liên kết để từ đó xây dựng hình thức hợp tác, phối hợp, hỗ trợ giữa các bên. Riêng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng truyền thống với nhiều tập đoàn, tổng công ty trong Khối. Hằng năm, lượng hàng hóa luân chuyển bằng các phương tiện đường sắt đạt bình quân hơn 4 tỷ tấn.km hàng hóa, giá trị khoảng 1.600 tỷ đồng, trong đó hàng hóa của các doanh nghiệp trong Khối chiếm 80%.