Huyện Cao Phong (Hòa Bình) xây dựng và phát triển giao thông nông thôn

Thứ sáu, 15/04/2016 08:58

Là địa phương nằm dọc Quốc lộ 6 và đường 12B cùng với hệ thống cảng thủy nội địa trên sông Đà thuận lợi đã mang lại những diện mạo mới trong hạ tầng phát triển giao thông của huyện Cao Phong trong những năm gần đây. Huyện có 367,2 km đường giao thông các loại, trong đó có 42 km đường huyện, 81,9km đường xã, 114,3km đường thôn, xóm.

Hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Cao Phong
cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
ảnh: Tuyến đường giao thông xóm Đồi đi xóm Lãi, xã Tây Phong.
 
Tỷ lệ cứng hóa, nhựa hóa các tuyến đường đạt từ 45,1% - 100%. Hàng năm, huyện đã huy động hàng chục tỷ đồng vốn ngân sách huyện (riêng năm 2014 - 2015, mỗi năm đầu tư 20 tỷ đồng) và huy động vốn đóng góp của nhân dân xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT). Đến nay, mạng lưới GTNT trên địa bàn huyện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân các dân tộc. - Đó là khẳng định của đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.
 
Căn cứ vào quy hoạch phát triển giao thông của huyện đã được UBND tỉnh Hòa Bình và Sở GTVT phê duyệt, trong giai đoạn 5 năm (2010  - 2014), huyện Cao Phong đã đầu tư xây dựng 89,2 km đường GTNT các loại. Bên cạnh đó, huyện xây dựng mới 8 chiếc cầu, cải tạo, sửa chữa 2 cầu treo, xây mới 7 cầu dân sinh và 3 ngầm. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng, phát triển GTNT hơn 171 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.ư hỗ trợ trên 69,3 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng. Các công trình được hoàn thành đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện phát triển KT-XH địa phương. ông Nguyễn Duy Đạm, xóm Nam Thành, xã Nam Phong chia sẻ: “Được Nhà nước quan tâm đầu tư cho con đường mới, người dân chúng tôi đi lại rất thuận tiện. Nông dân trồng mía, trồng cam đến vụ thu hoạch, xe ôtô vào tận vườn thu mua, giá cả ổn định, không bị tư thương ép giá như trước nữa”.
 
Thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM, đến nay, huyện Cao Phong đã có 6 xã đạt 4 chỉ tiêu, 1 xã đạt  3 chỉ tiêu và 6 xã đạt 1- 2 chỉ tiêu. Theo đó, tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, toàn huyện có 81,9 km, đạt tỷ lệ 61,2%; 114,3 km đường trục thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 62,2%; 123,5 km đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa, đạt 45,1% và 9,29 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đạt 23,2%. Đến nay, toàn huyện đã có 2 xã đạt chuẩn NTM và phấn đấu có thêm 1 xã đạt chuẩn trong năm nay.
 
Cùng với công tác xây dựng, phát triển hạ tầng GTNT, hàng năm, huyện cấp 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách của huyện để bảo trì. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp chưa đáp ứng duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường. Giải pháp được UBND huyện đưa ra là giao cho UBND các xã duy tu, bảo dưỡng tuyến đường đi qua, huy động nhân dân làm đường GTNT. Đến nay, trong phong trào toàn dân làm đường GTNT, toàn huyện đã huy động 385.530 ngày công duy tu, sửa chữa nền đường, mặt đường các loại với tổng số 295 km, trong đó, phát quang tầm nhìn 3.120 m2, nạo vét rãnh thoát nước 195 km, rải mặt đường cứng tại chỗ 94 km, đào, đắp 337.550 m3 đất, đá.
 
Cũng theo đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, đến năm 2020, huyện Cao Phong phấn đấu 100% tuyến đường giao thông được cứng hóa. Trước mắt, huyện sẽ hoàn thành các công trình xây dựng còn dở dang như: đường Bắc Phong - Thung Nai, Bắc Phong - Tây Phong, Đông Phong - Tân Phong và nâng cấp một số tuyến đường đạt tiêu chuẩn cấp VI miền núi.
 

Nguồn: Báo Hòa Bình

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:211856
Lượt truy cập: 177.938.810