Trong thời gian làm việc tại đây, Đoàn công tác tập trung tìm hiểu về Quản lý luồng không lưu (QLLKL) tại Hoa Kỳ, điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình triển khai áp dụng; cách thức triển khai thực hiện….Trao đổi với phía Hoa Kỳ về tiến trình triển khai áp dụng QLLKL tại Việt Nam; những khó khăn vướng mắc hiện nay của Việt Nam trong QLLKL. Tìm kiếm các cơ hội hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng QLLKL và các vấn đề khác có liên quan đến Quản lý không lưu (ATM) nói chung.
Trước sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không đi đôi với việc gia tăng lưu lượng các chuyến bay, chức năng quản lý luồng không lưu ngày càng trở lên phổ biến và cần thiết.
Quản lý luồng không lưu (được viết tắt là ATFM - Air Traffic Flow Management) được thực hiện nhằm cân bằng nhu cầu và năng lực cảng hàng không sân bay, điều tiết các luồng không lưu không vượt quá khả năng tiếp thu của sân bay và năng lực của vùng trời, sử dụng một cách tối ưu các năng lực hiện có, góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính bền vững môi trường của hệ thống quản lý không lưu. QLLKL cũng là yếu tố chính trong việc tạo khả năng tương tác toàn cầu của ngành công nghiệp vận tải hàng không, hướng tới việc thực hiện ATM liền mạch.
Việc hình thành tổ chức hệ thống QLLKL là một yêu cầu rất mới đối với Việt Nam. Quá trình triển khai thực hiện và khai thác QLLKL đòi hỏi có sự tham gia phối hợp của rất nhiều thành phần trong hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ về hàng không như: Các đơn vị cung cấp dịch vụ không lưu, thông báo tin tức hàng không, các đơn vị quản lý vùng trời, chỉ huy điều hành bay quân sự, các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan tại các Cảng hàng không, các nhà khai thác tàu bay,… Các quá trình thực hiện khai thác QLLKL cũng đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống các qui trình, qui phạm và phương thức thực hiện chặt chẽ, chi tiết, trang bị một hệ thống công cụ hiện đại, đồng bộ cho phép dự kiến được trước và hiển thị đến tất cả các thành phần liên quan các diễn biến không lưu, diễn biến thời tiết và cả các hoạt động có ảnh hưởng đến hoạt động bay để cùng áp dụng các cơ chế phối hợp, thống nhất để phối hợp ra quyết định xử lý tình huống.
Để có thể triển khai thành công hệ thống QLLKL, hệ thống quản lý hoạt động bay ở Việt Nam rất cần đến một chương trình nghiên cứu hàng không toàn diện, thực hiện các chương trình đánh giá chi tiết các công đoạn cung cấp dịch vụ cũng như các đối tượng thụ hưởng dịch vụ có liên quan để làm cơ sở xây dựng một kế hoạch tổng thể thiết lập hệ thống bao gồm kế hoạch xây dựng hệ thống các văn bản qui phạm điều chỉnh hoạt động QLLKL, các yêu cầu về nguồn lực con người và tài chính cũng như các yêu cầu về hệ thống công cụ trang thiết bị.
Với thực tế tăng trưởng hoạt động bay ở mức hai con số tại Việt Nam nói riêng và trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung như hiện nay thì yêu cầu nâng cấp tính năng hệ thống cung cấp dịch vụ hàng không bằng việc triển khai hệ thống QLLKL nhằm đảm bảo an toàn hoạt động bay thông qua duy trì các yêu cầu hoạt động bay không vượt quá năng lực tối ưu của hệ thống, giảm tối đa hiện tượng tàu bay phải bay chờ, giảm thiểu khí phát thải từ các hoạt động bay đã trở nên rất cấp thiết đối với Việt Nam và cũng là 1 trong các yêu cầu tất yếu hội nhập hàng không khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay.
Hơn nữa, QLLKL có vị trí là một trong ba chức năng chính của hoạt động quản lý không lưu (Kiểm soát không lưu, quản lý luồng không lưu và quản lý vùng trời) nên yêu cầu tích hợp đồng bộ với các hệ thống tự động hóa quản lý không lưu là không thể tách rời, nhất là trong điều kiện ngành quản lý bay Việt Nam đang chuẩn bị đầu tư trang bị lại các hệ thống công cụ tự động hóa không lưu đảm bảo cho hoạt động của Công ty quản lý bay miền Nam và Công ty Quản lý bay miền Trung.
Các buổi thăm quan, hội đàm trao đổi kinh nghiệm rất có ý nghĩa, giúp Đoàn công tác và các thành viên hiểu rõ hơn về việc triển khai QLLKL tại Hoa Kỳ, các khó khăn vướng mắc, tồn đọng khi triển khai áp dụng QLLKL. Nắm bắt được sự ủng hộ của USTDA trong việc sẵn sàng hỗ trợ nguồn vốn để thuê tư vấn xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể thực hiện QLLKL tại Việt Nam. Tìm hiểu được khả năng của các Công ty của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này đặc biệt là Tập đoàn MITRE.