Đường sắt hay phải chịu tổn thất vì thiên tai do chạy qua địa hình chịu nhiều ảnh hưởng bởi sạt núi, ngập lụt. Vì đặc điểm này mà theo báo cáo tại Hội nghị, mặc dù năm 2015 không chịu nhiều bão lũ lớn, nặng nề nhưng do ảnh hưởng bởi các đợt mưa lớn kéo dài, kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn có nhiều vị trí bị hư hỏng như nước ngập ray, xói trôi nền đá, sạt lở mái ta luy, đất đá lấp lên đường sắt, hỏng thiết bị thông tin tín hiệu…, phải phong tỏa để sửa chữa, khắc phục, ảnh hưởng chậm tàu. Ảnh hưởng thiên tai đã khiến đường sắt thiệt hại hơn 4,2 tỷ đồng về kết cấu hạ tầng đường sắt, 106 triệu đồng chi phí sửa chữa tường rào ga…
Quang cảnh hội nghị
Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đới Sỹ Hưng, con số thiệt hại này đã giảm nhiều so với các năm trước. Đó là do các đơn vị đường sắt đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị, chủ động phòng chống lụt bão (PCLB); Xây dựng phương án, kế hoạch theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. Đặc biệt, các đơn vị đã chủ động tổ chức kiểm tra và gia cố các công trình xung yếu; Chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư dự phòng, đảm bảo tổ chức ứng cứu kịp thời. Công tác tuần tra, chốt gác các khu vực trọng điểm và công trình xung yếu được thực hiện tốt, phát hiện kịp thời sự cố xảy ra khi có bão lụt…
Mùa mưa bão năm 2016 đang tới gần. Theo dự báo, hiện tượng El Nino có thể không tác động mạnh đến Việt Nam, hiện tượng lũ trên các sông ở một số khu vực đến muộn, tuy nhiên khó đoán được diễn biến bất thường, phức tạp của thời tiết. Vì vậy, Phó Tổng giám đốc Đới Sỹ Hưng yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó. Trong điều kiện, nguồn kinh phí cho đầu tư phương tiện, vật tư, thiết bị dự phòng hạn hẹp, các đơn vị cần chủ động hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có phương tiện, thiết bị hiện đại, kể cả ký hợp đồng nguyên tắc qui định rõ trách nhiệm của mỗi bên khi sự cố xảy ra, tránh bị động. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là lực lượng bộ đội…
Về hiệu lực chỉ đạo điều hành trong ứng phó lụt bão của Tổng công ty Đường sắt VN đối với các đơn vị đường sắt là doanh nghiệp cổ phần, ông Đới Sỹ Hưng khẳng định: “Việc CPH các doanh nghiệp đường sắt không ảnh hưởng đến sự chỉ đạo của Tổng công ty ĐSVN trong công tác PCBL. Tuy nhiên, nếu trước kia là mệnh lệnh huy động lực lượng thì nay ràng buộc bằng hợp đồng nguyên tắc. Hơn nữa, cần xây dựng Quy chế, trong đó quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các đơn vị”.