Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VEC với BIDV được tổ chức vào chiều 25/5, với sự tham dự của ông Ngô Đông Hải - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cùng Lãnh đạo chủ chốt của VEC, BIDV và đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Thông qua các hoạt động hợp tác toàn diện, các bên cùng xúc tiến các hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết để hỗ trợ nhau mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh nhằm khai thác tốt nhất thế mạnh của mỗi bên, tiềm năng của thị trường trong và ngoài nước, trong lĩnh vực kinh doanh truyền thống của mỗi bên và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và khả năng tài chính của mỗi bên.
Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh phát biểu tại buổi lễ
Tại Lễ ký, Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh cho biết, VEC là đơn vị nòng cốt, chủ lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đầu tư 2.000km đường bộ cao tốc. Hoạt động của VEC tập trung trên 3 lĩnh vực chính: đầu tư, vận hành và khai thác dịch vụ dọc theo các tuyến cao tốc.
Đến 2019, vốn điều lệ của VEC lên đến trên 72.000 tỷ đồng, và hiện VEC đang làm việc với Bộ Tài chính xác định vốn điều lệ VEC đến cuối năm 2015 là 36.000 tỷ đồng. VEC hiện đang triển khai 6 dự án với tổng mức đầu tư 135.000 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đường cao tốc đã hoàn thành đưa vào khai thác với tổng chiều dài 350km; Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017 với chiều dài 140km và Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ hoàn thành trong năm 2019 với 58km dài. VEC đang phấn đấu khởi công Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn (Km1+800 – Km44+100) vào đầu năm 2017.
Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh cho biết thêm, về khai thác vận hành, VEC phục vụ trung bình 70.000-80.000 lượt phương tiện/ngày đêm, doanh thu thu phí năm 2016 dự kiến khoảng 2.400 tỷ đồng. Các công ty khai thác vận hành đường cao tốc của VEC phục vụ khách hàng tốt, được xã hội ghi nhận. Về mảng dịch vụ, VEC thực hiện hình thức xã hội hóa kêu gọi đầu tư với khoảng 300 tỷ đồng. Hiện có 14 khu dịch vụ trên các tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Cũng theo Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh, trong định hướng phát triển 5 năm tới xác định xây dựng VEC thành đơn vị chủ lực, số 1 trong đầu tư, vận hành khai thác hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia. Với VEC, ngoài các dự án đang triển khai sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 500km đường cao tốc với tổng số vốn cần huy động trên 80.000 tỷ đồng.
Với số vốn đòi hỏi lớn như vậy, nếu đầu tư theo phương thức cũ sẽ khó thực hiện được, do vậy Tổng giám đốc cho rằng cần có sự thay đổi trong tiếp cận các nguồn vốn để chủ động tìm được nguồn vốn lớn, thời gian vay dài nhưng giá vốn hợp lý. Và BIDV được lựa chọn trở thành một trong những đối tác chiến lược rất quan trọng của VEC trong việc tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.
Với những mảng công việc có thể triển khai trong thời gian tới, Tổng giám đốc VEC nhận thấy rất cần sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn có nhiều kinh nghiệm như BIDV trong việc xác định giá trị tài sản, trên cơ sở đó lập phương án cổ phần hóa khi VEC tiến hành tái cơ cấu, cổ phần hóa. Tiếp đó là quản lý nguồn thu (khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng nguồn thu phí vào năm 2000) hiệu quả, quản trị quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tỷ giá…
Một thông tin cũng được ông Tuấn Anh chia sẻ tại Lễ ký, hiện VEC đang làm việc với Lãnh đạo JICA, ADB, WB để đưa ra một số sáng kiến trong đầu tư nhằm khơi thông các nguồn vốn đầu tư vào các dự án mới của VEC.
“Về dự án đầu tư, VEC đã nghiên cứu một số dự án, về phương án tài chính cũng đã tính toán, nhưng vấn đề hiện nay là nguồn vốn ở đâu, vay ở đâu và điều kiện thế nào, cơ chế gì để chúng ta thực hiện được” – Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh đặt vấn đề.
Đặt kỳ vọng vào BIDV, Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh khẳng định: “Mục tiêu hợp tác của chúng ta hướng đến cái rất cụ thể, cùng nhau nghiên cứu đầu tư dự án cụ thể, tìm nguồn vốn và điều kiện thế nào để chúng ta có thể triển khai... Với kinh nghiệm, tổ chức, sức mạnh của BIDV, việc hợp tác và kỳ vọng của chúng ta nhất định thành công”.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VEC với BIDV
Phát biểu tại Lễ ký, Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú chia sẻ, BIDV là ngân hàng đã có mối quan hệ mật thiết với ngành Giao thông và đang nỗ lực cố gắng phục vụ tốt nhu cầu phát triển ngành Giao thông.
Tổng giám đốc BIDV đánh giá VEC hiện là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực phát triển đường bộ cao tốc quốc gia, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam – cơ sở để phát triển kinh tế... Người dân được tận hưởng tiện ích giao thông với hệ thống đường cao tốc nối liền các vùng miền, thu hẹp các khoảng cách, tạo thuận tiện và giảm rất nhiều chi phí cho người dân, xã hội.
Với việc ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện, BIDV khẳng định sẽ cung cấp những sản phẩm dịch vụ, những cơ chế chính sách tốt nhất, mức phí giá cạnh tranh nhất để phục vụ VEC thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình; sẵn sàng cùng VEC nghiên cứu các cơ chế cụ thể cũng như cách thu hút vốn đầu tư để có thể triển khai dự án.
Phía BIDV cũng bày tỏ mong muốn được tham gia trong quá trình tái cấu trúc VEC, và tiếp tục đồng hành trong các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi của Nhà đầu tư.
“Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết mình, với toàn bộ sức mạnh và nguồn lực của BIDV để phục vụ tốt và thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ký kết…” – Tổng giám đốc BIDV khẳng định.
Ông Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá việc ký kết hợp tác giữa hai đơn vị là một sự kiện quan trọng.
Với VEC, ông Hải đánh giá là đơn vị chủ lực thực hiện một trong những khâu đột phá, then chốt của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI và tiếp tục trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. VEC được giao nhiệm vụ hết sức nặng nề và được đặt kỳ vọng lớn trong việc giúp Chính phủ, quốc gia hình thành một hệ thống huyết mạch giao thông chất lượng cao, phẩm cấp cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội…
Việc VEC và BIDV hợp tác toàn diện, theo nhận xét của ông Hải, sẽ góp phần đưa vào hiện thực một cách có hiệu quả kênh khơi thông nguồn vốn cũng như góp phần làm rõ thêm nhiều vấn đề trong cơ chế chính sách và phương án để có thể khơi thông nguồn lực nội tại mà lâu nay ít được quan tâm.
“Việc hợp tác này không chỉ đơn thuần là việc khơi thông nguồn vốn, mà có thể sẽ là hình mẫu trong việc phối hợp cùng nhau tạo dựng một liên kết kinh tế-xã hội điển hình. Theo đó, nền kinh tế phát triển đầy đủ, đồng bộ theo cơ chế thị trường; các nguồn lực kinh tế, dòng tài chính cũng lưu chuyển một cách tự nhiên theo các quy luật thị trường và phát huy hết tác dụng của nó. Với việc cùng nhau hợp tác từ đầu tư đến khai thác, tôi cho đây cũng sẽ là điều chúng ta cần tập trung làm rõ trong việc hợp tác từ cơ chế huy động vốn đến tập hợp, sử dụng, luân chuyển các nguồn vốn thông qua cơ chế này. Với nhiều tổ chức khác, có thể xem đây là hình mẫu để tiếp thu và triển khai trong thời gian tới” – Ông Hải nhận định.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đặt vấn đề với hai đơn vị, qua sự hợp tác sẽ kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh cần tháo gỡ, cần được thể chế hóa…, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, cho Nhà nước để cụ thể hóa, thể chế hóa thành nền tảng định hướng phát triển pháp luật chung của quốc gia.
Việc ký kết hợp tác toàn diện giữa VEC và BIDV là sự kiện quan trọng đối với VEC và BIDV, thể hiện quan hệ hai bên đã được nâng lên tầm cao mới, mở ra những cơ hội phát triển mới cho cả hai bên.
VEC cam kết 6 nội dung với đối tác: liên quan đến trao đổi thông tin về các dự án đầu tư; ưu tiên trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng liên quan đến các giải pháp công nghệ trong bán vé điện tử và các giải pháp công nghệ cao trong lĩnh vực đầu tư, quản lý xây dựng đường cao tốc; góp vốn, mua cổ phần và trờ thành cổ đông chiến lược của VEC; duy trì các loại tài khoản, ưu tiên lựa chọn và sử dụng các sản phẩm/dịch vụ của đối tác… BIDV cũng cam kết về góp vốn, về cung ứng dịch vụ tín dụng, cung cấp các dịch vụ phi tín dụng sẵn có của ngân hàng và cung ứng các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khác. Ngoài ra, hai bên còn cam kết hợp tác phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu, chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm quản lý, mô hình tổ chức để tổ chức quản lý điều hành hiệu quả, đem lại sự phát triển cho mỗi bên; sẽ định hướng và tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên, các chi nhánh… do bên còn lại cung cấp đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh…