Thanh tra giao thông lập biên bản xử lý 1 trường hợp xe quá tải.
Theo thống kê của các Sở GTVT, lực lượng thanh tra giao thông toàn ngành, có sự phối hợp của lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng khác đã tiến hành kiểm tra 63.483 xe, trong đó 4.999 xe vi phạm về tải trọng, 377 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 1.653 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 38,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, công chức thanh tra các cục QLĐB đã tiến hành kiểm tra 240 xe, trong đó 152 xe vi phạm về tải trọng, 38 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 85 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 3,5 tỷ đồng.
Tổng cục ĐBVN đánh giá, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được thực hiện quyết liệt trên cả nước. Qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí, người dân về đường dây nóng của Tổng cục ĐBVN, nhiều địa phương làm tốt công tác kiểm tra tải trọng xe như: Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP HCM, Cần Thơ…
Một đoàn xe quá tải bị lực lượng thanh tra giao thông xử lý.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm về tải trọng, kích thước thùng hàng ở một số địa phương còn phức tạp, tập trung ở phía Bắc; trong quá trình triển khai thực hiện, công tác phối hợp giữa lực lượng công chức thanh tra các cục QLĐB thuộc Tổng cục ĐBVN và lực lượng thanh tra giao thông, công an các địa phương còn hạn chế, còn một số việc cần phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh...
Tổng cục ĐBVN yêu cầu các sở GTVT, các cục QLĐB tập trung phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng cảnh sát trật tự, kiểm soát quân sự thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát tải trọng xe tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm, đảm bảo số xe vi phạm trong số xe dừng cân kiểm tra đạt tỷ lệ cao (70%), hạn chế đến mức thấp nhất việc dừng các xe không vi phạm, gây lãng phí thời gian, tâm lý bức xúc cho chủ xe, lái xe.
Tiếp tục nắm bắt tình hình, phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và người dân; căn cứ tình hình thực tế chủ động lập Kế hoạch kiểm tra, thanh tra đột xuất (đặc biệt vào ban đêm), tập trung tại các đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng; đặc biệt là các mỏ đá, nhà máy xi măng, nhà máy chế biến nông, lâm sản, nhà máy chế biến gỗ, các công trình xây dựng. Trong quá trình kiểm tra, không được dùng biện pháp bóc tháo tem kiểm định trên các phương tiện vi phạm; phải nắm chắc tình hình địa bàn, triển khai lập kế hoạch để khi thực hiện phải có hiệu quả không để xảy ra điểm nóng. Đối với các trường hợp khó khăn phải báo cáo Tổng cục ĐBVN, Bộ GTVT để xin ý kiến chỉ đạo xử lý...