Thông qua vận tải biển, gần 90% khối lượng hàng hóa ngoại thương được thực hiện bằng đường biển . Hàng triệu sỹ quan, thuyên viên toàn cầu, đang ngày đêm lao động không mệt mỏi, trên các con tầu, đương đầu với hiểm nguy từ biển để vận chuyển hàng hóa (Hành khách)từ cảng biển này tới cảng biển khác, đáp ứng yêu cầu của con người trong quá trình sản xuất, tiêu dùng và đi lại.
Vận tải biển nhân tố quan trọng đảm bảo phát triển nền kinh tế toàn cầu. Và, không cường điệu khi nói rằng hầu như tất cả mọi thứ chúng ta tiếp cận được, theo nghĩa nào đó, được vận chuyển bằng đường biển hoặc có nguồn gốc liên quan đến vận chuyển bằng đường biển.
Năm nay chúng ta lại kỷ niệm Ngày Đi biển thế giới là dịp để khẳng định rằng thuyền viên là những người vận hành tàu biển, đưa hàng hóa một cách an toàn và hiệu quả đến đích của nó, ngày đêm này, qua ngày đêm khác, cẩn trọng và tự tin, dù cho điều kiện nào mà biển cả mạng lại.
Hiện nay nhiều người vẫn chưa hiểu được bao đóng góp và hi sinh thầm lặng của những người đi biển toàn cầu, trong đó có sỹ quan thuyền viên Việt Nam.
Khi hành trình trên biển, cuộc sống của sỹ quan, thuyền viên có thể nguy hiểm và rất "cô đơn". Họ có thể dành cả một năm quê nhà, xa gia đình và xa những người thân yêu để đối mặt với hiểm nguy, xa cách, và thậm chí, còn bị bóc lột từ các chủ tầu.
Nhân ngày này, cho phép Hội Người đi biển Việt Nam bày tỏ sự ngưỡng mộ đến hàng triệu sỹ quan, thuyền viên trên toàn thế giới, trong đó có đội ngũ Người đi biển Việt Nam vì sự đóng góp to lớn của họ cho cuộc sống thịnh vượng của nhân loại. Hãy để chúng ta có cơ hội ghi nhớ tất cả những điều tốt đẹp của những người đi biển; không có họ, chúng ta không thể sống văn minh được . Và, vào ngày 25.6, đáng nhớ, có thể một lời thích hợp nhất cho tất cả chúng ta, đó là: "Cảm ơn các anh hùng, những người đi biển!"
Ai cũng muốn nói "lời cảm ơn" tới những người đi biển, trước hết, Hội người đi biển VN muốn các chủ tàu hãy đáp ứng nguyện vọng của thuyền viên thông qua việc cung cấp những tiện ich cho họ, chẳng hạn chỗ ăn ở thoải mái, được truy cập internet và tiếp cận các phương tiện giải trí, cũng như quyền lợi khác đã được xác định trong Công ước "Lao đông hàng hải " 2006, mà Việt Nam thừa nhận. Mặt khác, để chuẩn bị nguồn nhân lực Hàng hải trong tương lai, các cơ quan quản lý về hàng hải, cơ sở đào tạo đội ngũ sỹ quan, thuyền viên Việt Nam cần tạo cơ hội công bằng và cung cấp các chương trình huấn luyện thích hợp với hội nhập quốc tế để những người trẻ tuổi được đào tạo tốt, đáp ứng công việc thực tế trên tàu theo quy định của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam...
Xin gửi tới các bạn trẻ, những ai đã, đang và sẽ chọn con đường trở thành sỹ quan thuyền viên ngành Hàng hải Việt Nam, hãy nhìn nhận biển cả, nơi có thể giúp đât nước Việt Nam trở thành cường quốc kinh tế biển. Nơi ấy không chỉ có những tiếng sóng thì thầm của tình yêu đôi lứa, mà có cả tiếng ì ầm của bão tố, nơi đó sẽ rèn luyện và hun đúc những người đi biển Việt Nam trở thành lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền của tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Thay mặt Trung ương Hội Người đi biển Việt Nam, tôi kêu gọi sỹ quan, thuyền viên Việt Nam hãy hưởng ứng "Ngày Đi biển thế giới 25/6" bằng những hành động thiết thực tại vị trí của mình với nội dung chủ yếu dưới đây :
1/ Những người đang vận hành trên các tầu biển Việt Nam hoặc trên các tầu biển nước ngoài, hãy thực hiện tốt chức trách được phân công. Làm đầy đủ nghĩa vụ và yêu cầu của chủ tầu, được hưởng hoặc đòi chủ tầu thực hiện đầy đủ quyền lợi quy định như "Công ước lao động Hàng hải, 2006" mà Việt Nam là thành viên.
2/ Những sỹ quan, thuyền viễn đã đi biển, nay đang nghỉ hưu : Chúc các bác luôn khỏe, và vui. Nếu có điều kiện, hãy truyền đạt kinh nghiêm đi biển, nhất là kinh nghiệm giai quyết các sự cố trong quá trình vận tải . Mong các bài học quý giá sẽ đến với thế hệ thuyền viên trẻ thông qua các trường chuyên ngành hoặc với quan hệ cá nhân.
3/ Hội người đi biển Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan Nhà nước, làm cầu nối để các sỹ quan thuyền viên có thể giao lưu tình cảm, kinh nghiệm...đồng thời là một trong những tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người đi biển Việt Nam. Mọi người có thể liên lạc với Hội người đi biển khi cần thiết tại số 8 Phạm Hùng, Cầu Giay, Hà Nội. Hoặc website : www. hoinguoidibien.vn.
4/Tình hình biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp. Chủ quyền quốc gia trên biển luôn đòi hỏi mỗi người dân nước Việt góp công, góp sức kể cả tính mạng để giữ gìn. Trong trách nhiệm chung của dân tộc, Người đi biển Việt Nam càng thể hiện bản lĩnh vững vàng, không sợ khó khăn nguy hiểm, luôn làm tốt chức trách được giao, góp phần hình thành đội tầu biển quốc gia hùng cường, trong đó, đội tầu biển tư nhân sẽ là động lực quan trọng nhất trong quá trình hội nhập hàng hải quốc tế.
Nhân “Ngày Đi biển thế giới 25/6”, Hội Người đi biển Việt Nam kêu gọi người đi biển toàn cầu hãy cùng người đi biển Việt Nam giữ cho biển Đông nói riêng và mọi tuyến đường biển trên thế giới nói chung, luôn bình an, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường biển./.
Chu Quang Thứ (Chủ tịch Hội Người đi biển Việt Nam)