Để góp phần làm giảm tai nạn giao thông (TNGT) và bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên đường thủy nội địa. Sở GTVT Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch liên ngành để phối hợp với Công an tỉnh cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiểm tra, xử lý phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy nội địa.
Trong đó, tập trung thanh, kiểm tra xử lý các phương tiện vận chuyển khách du lịch, bến du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các đơn vị chức năng của ngành GTVT đã phối hợp chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định đảm bảo ATGT khi tham gia giao thông trên đường thủy nội địa (ĐTNĐ).
Sở GTVT Tiền Giang cũng đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các phương tiện thủy, bến khách ngang sông và bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Đây là công tác cấp thiết vì hiện nay thời tiết đang vào mùa mưa có thể xảy ra bão, lốc, xoáy một số nơi, nhất là trong vận chuyển hành khách, hàng hóa tại các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra GTVT tiếp tục kết hợp với CSGT đường thủy, chính quyền địa phương xuất quân 285 lượt, có 514 lượt đồng chí tham gia, số vụ vi phạm: 95 vụ (trong đó, nhắc nhở tại chỗ: 81 vụ; cảnh cáo: 1 vụ; giao CSGT, Cảnh sát trật tự, Công an xã, phường, thị trấn các huyện lập biên bản xử lý: 4 vụ; Thanh tra GTVT lập biên bản và xử lý: 9 vụ và phạt tiền: 9 vụ), các lỗi lập biên bản xử lý với nội dung gồm:
Không thiết bị an toàn, không phát tín hiệu khi rời bến, đưa bến thủy vào hoạt động không có giấy phép hoạt động, điều khiển phương tiện bằng cấp không phù hợp và không có danh bạ thuyền viên theo quy định.
Ngoài ra, các ngành chức năng liên quan cũng chú trọng phối hợp với Văn phòng Ban ATGT các huyện, thành phố và thị xã để có kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ, các văn bản pháp luật về giao thông ĐTNĐ đến các tổ chức, cá nhân biết để chấp hành thực hiện.
Theo ông Huỳnh Văn Nguyện, với những bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, Sở GTVT Tiền Giang đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác bến chấp hành nghiêm Nghị định 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; Thông tư 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ GTVT quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa. Các bến thủy nội địa và phương tiện thủy hoạt động phải đảm bảo các yêu cầu có giấy phép hoạt động; vị trí bến phải đảm bảo yêu cầu về địa hình ổn định, độ sâu, rộng; người điều khiển phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn; phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm...
Lực lượng Thanh tra GTVT kiểm tra phương tiện thủy.
Thanh tra GTVT Tiền Giang theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thanh, kiểm tra tra độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng để thực hiện kiểm tra liên ngành. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm: Bến không được cơ quan chức năng cấp phép; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm. Lập biên bản, xử lý và đình chỉ ngay các bến, phương tiện thủy hoạt động không đảm bảo ATGT. Trong đó, chú ý các bến khách ngang các sông, kinh; các bến vận chuyển khách du lịch có mật độ phương tiện thủy lưu thông nhiều như: Sông Tiền, kinh Chợ Gạo, kinh Nguyễn Tấn Thành, kinh Tháp Mười số 2...
Qua công tác kiểm tra, điều quan ngại nhất là không thể kiểm soát được các bến tự phát, bến thô sơ (lợi dụng bờ tự nhiên của sông, kinh đưa vào khai thác kinh doanh tạm thời) phục vụ nhu cầu thời vụ của người dân không có giấy phép cũng như phương tiện chưa đảm bảo an toàn, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn.
Ngành GTVT Tiền Giang đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân để hạn chế TNGT đường thủy xảy ra, người dân chỉ nên đi trên những phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm, bến được cơ quan chức năng cấp phép mở bến đảm bảo ATGT; người điều khiển phương tiện có bằng, giấy chứng nhận đăng ký khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn đúng theo quy định.
Và điều quan trọng là chính quyền địa phương cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các bến đò, phương tiện thủy trên địa bàn quản lý nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNGT trên đường thủy nội địa.