TPHCM: Triệt xe quá tải

Thứ hai, 18/07/2016 16:05

TP HCM vừa đưa vào sử dụng thêm 4 trạm cân tự động với hy vọng sẽ giải quyết được bài toán xe quá tải trên địa bàn

Các trạm cân được đặt tại cầu Giồng Ông Tố 1 trên đường Đồng Văn Cống, cầu Kỳ Hà trên đường Vành đai Đông (quận 2) và cầu Ông Lớn trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7). Với việc đặt các trạm cân tại đây, các phương tiện lưu thông hướng từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương theo đường Mai Chí Thọ vào cảng Cát Lái hoặc ra vào các cảng khác theo hướng từ quận 7, huyện Bình Chánh sẽ được kiểm soát.

Nhiều trường hợp vi phạm

Tính đến ngày 16/7, tại trạm cân ở cầu Giồng Ông Tố 1 có 141 trường hợp bị phát hiện vượt quá tải trọng cho phép. Trong đó, nhiều trường hợp do đường kẹt nên không xử lý được, một số trường hợp hệ thống chuyền tải về cân thứ cấp nhưng không thể hiện biển số xe. Có mặt tại cầu Ông Lớn vào sáng 11/7, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều xe container lưu thông hướng từ quận 7 đi huyện Bình Chánh đã được cân tự động (cân sơ cấp) đặt cách đó không xa báo về với số liệu tải trọng vượt quá quy định. Khi những xe này vừa lưu thông đến gần chốt trạm cân, lực lượng Thanh tra Giao thông (TTGT) và CSGT lập tức yêu cầu đưa xe vào để cân lại bằng hệ thống cân lưu động. Kết quả cho thấy nhiều tài xế điều khiển phương tiện chở vượt tải trọng cho phép trên 30%. Riêng trong ngày 11/7, tại chốt trạm cân này có 7.680 lượt lưu thông qua cân sơ cấp được hệ thống báo về, trong đó có 9 trường hợp bị xử phạt vì chở quá tải trọng quy định. Cụ thể, 8 trường hợp chở quá tải trọng từ 10% đến 30%, 1 trường hợp vượt 40%.

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng bằng cân tự động

Ông Lê Hoàng Nam, Đội trưởng Đội TTGT số 5, cho biết do mới đưa vào sử dụng nên trạm cân trên đường Đồng Văn Cống còn một số lỗi như nhiều phương tiện dù quá tải nhưng dữ liệu chuyển về không báo biển số xe, thời gian dữ liệu báo về nhiều khi mất hơn 1 phút (trong khi thiết kế chỉ mất 3 giây) nên không kịp xử lý. “Phải mất một thời gian sử dụng mới hoàn thiện hệ thống, khi đó độ chính xác sẽ cao hơn” - ông Nam nói.

Theo TTGT, ưu điểm của cân tự động là cho phép phát hiện nhiều phương tiện quá tải trọng cùng lúc với độ chính xác cao, tránh sự can thiệp của con người.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (đơn vị được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP giao lắp đặt các trạm cân tự động), cho biết 4 trạm cân tự động trên được đầu tư tổng chi phí khoảng 28 tỉ đồng, hiện đã dần đi vào hoạt động ổn định. “Hệ thống cảm ứng công nghệ của Thụy Sĩ sẽ ghi nhận tải trọng xe mà tài xế không hề hay biết nên không thể né tránh. Do đó, nhiều trường hợp đã bị xử lý, đem lại hiệu quả tốt” - ông Trung nhấn mạnh. Được biết, TP đã giao TTGT phối hợp với CSGT túc trực 24/24 ở các trạm cân tự động để xử lý nghiêm những xe vi phạm tải trọng.

Hoàn thiện pháp lý

Trong 2 ngày 16 và 17/7, có mặt ở khu vực cổng D cảng Cát Lái (quận 2), chúng tôi chứng kiến nhiều xe container chở hàng từ trong cảng này ra với tải trọng đúng theo quy định. Tuy vậy, thay vì chở hàng thẳng về bãi các doanh nghiệp thì những xe container này lại chở vào một bãi nằm gần đó để hạ tải và quay đầu vào cảng chở thêm một kiện hàng khác. Trong đó, nhiều trường hợp không đi về ngã ba Cát Lái mà rẽ hướng Vành đai phía Đông để về các quận 9, Thủ Đức; các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và ngược lại... vì khu vực này hiện chưa có trạm cân. Tương tự, vào ban đêm, khu vực xa lộ Hà Nội có nhiều xe tải vẫn vô tư chất hàng quá tải để lưu thông, bất chấp lệnh cấm. Thậm chí, có nhiều nhà xe cho người cảnh giác các lực lượng chức năng để tìm cách né trạm. Đó là chưa nói đến việc lợi dụng giờ cao điểm, lượng phương tiện tham gia giao thông đông, trạm cân không phát huy tác dụng để lưu thông. Sở dĩ có nhiều chủ xe, tài xế cố trình né tránh là vì hiện nay, số liệu cân tự động chưa thể sử dụng để phạt nguội. Do đó, theo Cục Đường bộ Việt Nam, khó khăn hiện nay là theo các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thiết bị cân tự động chưa được xem là cơ sở phục vụ công tác phát hiện, xử lý vi phạm xe quá tải mà mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng cân tĩnh. Cơ quan này đang nghiên cứu, xây dựng quy trình, tiêu chuẩn để đề xuất nhằm có thể sử dụng thiết bị cân tự động vào việc xử phạt trong thời gian tới. Theo ông Trần Chí Trung, để giải quyết triệt để tình trạng xe quá tải, Sở GTVT TP đang kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét công nhận hệ thống trạm cân tự động như một trong các trang thiết bị phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm tạo cơ sở pháp lý để phạt nguội các trường hợp vi phạm. Trong khi đó, trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt, Công an TP HCM - cho biết lắp đặt trạm cân tự động nhằm hướng tới phạt nguội là chính. Trong thời gian đầu, do việc kiểm tra bằng hệ thống cân tự động còn mới nên phải dùng cân thứ cấp kiểm tra lại để tránh gây tranh cãi giữa lực lượng chức năng với chủ xe, tài xế. “Về lâu dài, khi hệ thống cân tự động chính xác thì sẽ không dùng đến cân thứ cấp. Thay vào đó, trường hợp nào quá tải sẽ được camera chụp hình, báo số liệu về trung tâm quản lý, sau đó báo về chủ xe để xử phạt. Ngoài ra, cùng với hệ thống camera trên các tuyến đường, việc sử dụng hệ thống cân tự động nhằm hướng tới giáo dục ý thức của tài xế, chủ xe là chính” - ông Phong nói.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2017, TP HCM sẽ có 10 trạm cân tự động được lắp đặt ở các tuyến đường vành đai.

Trong 6 tháng, xử phạt hơn 190 tỉ đồng

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng tại các trạm cân lưu động, cố định và Thanh tra các sở GTVT sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 355.349 xe, trong đó 24.853 xe vi phạm về tải trọng, 1.940 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 8.147 giấy phép lái xe, xử phạt 190,6 tỉ đồng.

Nguồn: Báo Người Lao động

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:254758
Lượt truy cập: 176.386.996