Khánh Hòa: Quản lý chặt hoạt động của tàu, thuyền

Thứ năm, 21/07/2016 15:09

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Khánh Hòa vừa hoàn thành việc kiểm tra bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đoàn yêu cầu các địa phương quản lý chặt hoạt động của tàu, thuyền.

Vẫn còn phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm

Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 650 phương tiện chở khách. Trong đó,  TP. Nha Trang có 326 phương tiện, Cam Ranh 54 phương tiện, Vạn Ninh 30 phương tiện...

Ông Nguyễn Xuân Mạnh - Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa cho biết, đoàn đã tiến hành kiểm tra các bến thủy và phương tiện thủy tại 7 khu vực trọng điểm, gồm: vịnh Nha Trang, đầm Nha Phu, sông Cái Nha Trang, vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh), Dốc Lết (thị xã Ninh Hòa), Bãi Dài (huyện Cam Lâm). Qua đó, đoàn đã kiểm tra 38 bến thủy nội địa và 400 lượt phương tiện các loại, phát hiện và xử lý 16 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt hơn 21 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: thuyền viên không có giấy chứng nhận chuyên môn máy trưởng hạng 2 trở lên và không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp với phương tiện; không có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy; vi phạm bố trí định biên thuyền viên không đủ, hoặc không phù hợp theo quy định.

Các tàu hoạt động tại bến Đầm Môn (huyện Vạn Ninh)

Ngoài ra, tại một số khu vực biển, đảo xa, đoàn còn phát hiện nhiều tàu thuyền đưa đón khách chưa đăng ký, đăng kiểm. Cụ thể, tại khu vực vịnh Cam Ranh, đoàn kiểm tra 77 phương tiện hoạt động chở khách; trong đó có 23 phương tiện được hoán cải từ tàu cá sang chở khách. Các phương tiện này hoạt động tự phát, không đăng ký, đăng kiểm và chủ yếu chở khách từ Bãi Kinh (tỉnh Ninh Thuận) sang ăn uống, vui chơi tại các bè khu vực Bình Hưng (TP. Cam Ranh). Đoàn cũng phát hiện tại khu vực Bãi Dài có 23 phương tiện Jetski và 1 ca-nô hoạt động nhưng chỉ có 5 phương tiện có đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Tại khu vực sông Cái thuộc xã Vĩnh Ngọc, gần đây đã xuất hiện các hộ kinh doanh tự ý mở bến, dùng 4 phương tiện ca-nô không có đăng ký, đăng kiểm đưa đón khách qua sông. Các phương tiện này chủ yếu chở khách từ bờ sang các quán bên dưới chân núi Hòn Thơm ăn uống.

Các địa phương cần tăng cường quản lý

Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa: Sau đợt kiểm tra của đoàn liên ngành, sở đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành tổng rà soát về trang thiết bị, cơ sở vật chất tại tất cả các bến. Qua đó, bến nào đủ điều kiện hoạt động sẽ hướng dẫn các địa phương, đơn vị làm thủ tục cấp phép; bến nào không đủ điều kiện sẽ kiến nghị dừng hoạt động.

Được biết, đoàn đã phối hợp với trạm biên phòng tại các khu vực và địa phương tổ chức tuyên truyền cho các chủ phương tiện và yêu cầu ký cam kết không hoạt động cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, một số phương tiện bị đình chỉ vẫn lén lút hoạt động vận chuyển khách du lịch.

Trước thực trạng đó, đoàn liên ngành của tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo “Quy chế phối hợp quản lý hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh”. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch trên đường thủy nội địa; thành lập ban quản lý các bến thủy nội địa phục vụ mục đích dân sinh tại địa phương hoặc giao UBND các xã, phường, thị trấn bố trí lực lượng trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của các bến. Địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng mở cảng, bến thủy trái phép, đón, trả khách du lịch không đúng nơi quy định hoặc phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm hoạt động chở khách. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bến thủy nội địa đang hoạt động nhưng chưa được cấp phép theo quy định, đặc biệt là các bến do UBND cấp huyện, cấp xã đầu tư để phục vụ mục đích dân sinh. Vì thế, các địa phương cần sớm hoàn thành thủ tục cấp phép hoạt động.

Ông Mạnh cho biết: “Thực tế cho thấy, hiện nay, nhu cầu học tập để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, các chứng chỉ tập huấn phòng cháy chữa cháy, nghiệp vụ du lịch… của thuyền viên rất lớn. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Sở Du lịch cần tăng cường mở các lớp đào tạo phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của người học”.

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:205892
Lượt truy cập: 176.375.327