Tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Thứ sáu, 12/08/2016 15:11
Bộ GTVT vừa có Công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Theo Công điện, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến phức tạp tại các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, sốt xuất huyết xảy ra tại 48 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính từ đầu năm 2016, cả nước ghi nhận 49.049 trường hợp, trong đó có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, số mắc tăng cao và có nguy cơ lan rông, tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, Trung và Tây Nguyên như: Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông (tại khu vực Tây Nguyên có số mắc chiếm khoảng 50% tổng số mắc của cả nước).

Thực hiện Công điện số 1388/CĐ-TTg ngày 05/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Bộ GTVT các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch sốt xuất huyết tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Nganh GTVT, hành khách đi trên các phương tiện giao thông và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, thu gom lật úp, xử lý các dụng cụ phế thải chứa nước để không có chỗ cho muỗi đẻ trứng, lăng quăng phát triển; triển khai phun hóa chất, xử lý ổ dịch, phun chủ động phòng sốt xuất huyết tại các khu vực có nguy cơ cao; tuyên truyền, vận động cho toàn thể CBVCNLĐ trong Ngành khi phát hiện các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nên đến cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không VN, Cục Hàng hải VN, Tổng cục Đường bộ VN, Tổng công ty Cảng Hàng không VN, Tổng công ty Hàng hải VN cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan triển khai tốt việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người, phương tiện nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết để có phương án và biện pháp xử lý kịp thời, không để lây lan dịch trên diện rộng.

Đồng thời, Cục Y tế GTVT tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc chỉ đạo các đơn vị y tế trong Ngành triển khai công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hoạt động phòng, chống dịch; tổ chức tập huấn về chuyên môn kỹ thuật, tổ chức việc phân tuyến và thu dung điều trị tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế mức thấp nhất số trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tránh lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, các Bệnh viên, Trung tâm y tế chuyên ngành, Phòng khám đa khoa GTVT xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị dịch bệnh, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân; thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo, xử lý các vật dụng khi điều trị bệnh nhân.

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, thường gặp ở trẻ em. Đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trì đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.

Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do hiện tượng Elnino thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ tăng dần dẫn đến hạn hán, các địa phương tích trữ nước nhiều mà không được xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng (bọ gậy) phát triển, thêm vào đó một số khu vực trước đây không lưu hành sốt xuất huyết (như khu vực Tây Nguyên) nên khả năng miễn dịch thấp dẫn đến dễ mắc bệnh.

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:
Lượt truy cập: