Tuy nhiên, đây chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” vì trên thực tế, số vụ vi phạm HLAT đường bộ còn xảy ra rất nhiều. Nhằm tìm ra giải pháp để công tác quản lý HLAT đường bộ địa phương đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Sở GTVT Tiền Giang đã tổ chức hội thảo chuyên đề về vấn đề này.
Ông Huỳnh Văn Nguyện Phó Giám đốc Sở GTVT, Chánh Thanh tra GTVT Tiền Giang (thứ ba từ bìa phải vào) kiểm tra hiện trường 1 trường hợp vi phạm HLAT đường bộ trên địa bàn huyện Cái Bè.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 29 tuyến đường tỉnh hiện hữu với chiều dài 432 km (riêng 2 tuyến đường tỉnh 878 và 871B đang được xây dựng) và 155 tuyến đường huyện có chiều dài 890 km. Để công tác quản lý HLAT đường bộ được đi vào nền nếp, UBND tỉnh Tiền Giang đã kịp thời ban hành các Quyết định 36/2013/QĐ-UBND, 41/2013/QĐ-UBND và 42/2013/QĐ-UBND là cơ sở để các ngành, các cấp phối hợp quản lý tốt HLAT đường bộ.
Các đơn vị quản lý, thanh tra chuyên ngành và chính quyền địa phương tăng cường xử lý các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT và HLAT đường bộ. Từ năm 2015 đến tháng 6/2016, đã phát hiện 7.612 vụ vi phạm, lập biên bản xử lý gần 1.800 vụ, phạt tiền 52 triệu đồng.
Đoạn Quản lý giao thông đã lập và gửi 112 thông báo đến Thanh tra GTVT và UBND cấp xã về hành vi vi phạm HLAT đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh. Qua thực tế thực hiện thí điểm công tác tuần kiểm trên đường tỉnh 865 (nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị liên quan xử lý vi phạm HLAT đường bộ), tình trạng vi phạm có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, công tác quản lý phạm vi đất dành cho đường bộ, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhìn chung đạt hiệu quả chưa cao, tình trạng các tổ chức, cá nhân xây dựng lấn chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ còn xảy ra phổ biến.
Theo ông Huỳnh Văn Nguyện, Phó Giám đốc Sở GTVT, Chánh Thanh tra GTVT tỉnh Tiền Giang, một số nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là: Quyết định 41/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh còn một số bất cập như “chưa quy định biện pháp xử lý các công trình nằm trong đất của đường bộ”; việc xử lý các công trình đang xây dựng mới khi bị lực lượng chức năng phát hiện là chưa thỏa đáng (tại Khoản 1, Điều 6).
Nhiều đơn vị cùng thực hiện 1 nhiệm vụ được giao nhưng còn nhiều hạn chế, đùn đẩy trách nhiệm nhau. Những công việc chung chưa thực hiện đúng quy định: Nhân viên tuần đường chưa thực hiện đình chỉ hành vi vi phạm HLAT đường bộ mà chỉ gửi thông báo cho Thanh tra GTVT và UBND cấp xã; chưa thực hiện cưỡng chế tháo dở các công trình lấn chiếm đất công;
Chính quyền địa phương chưa chủ động, ngại va chạm thực hiện nhiệm vụ như việc phát hiện, ngăn chặn, phối hợp xử lý vi phạm nhất là UBND cấp xã; Thanh tra GTVT thực hiện công tác kiểm tra chưa thường xuyên, còn một số thanh tra viên chưa quan tâm xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm cụ thể; công tác hậu kiểm của Thanh tra GTVT buộc thực hiện các hình phạt bổ sung còn nhiều hạn chế…
Tại hội thảo, đại diện sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, các cơ quan quản lý đã có nhiều ý kiến đóng góp như sau: Tình trạng xây dựng lấn chiếm HLAT đường bộ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát sinh nghiêm trọng.
Công tác quản lý HLAT đường bộ tuy được các lực lượng và chính quyền địa phương phối hợp thực hiện nhưng vấn đề chưa được giải quyết triệt để vì chỉ mới dừng lại ở bước lập biên bản đình chỉ xây dựng lấn chiếm, xử phạt hành chính theo quy định; chưa thể thực hiện cưỡng chế tháo dỡ, bồi hoàn hiện trạng ban đầu vì quy trình cưỡng chế theo quy định rất chặt chẽ, khó thực hiện được.
Phạm vi HLAT đường bộ hiện nằm trên phần đất của dân, chưa được Nhà nước bồi thường thu hồi đất nên qua thực tế người dân cũng có bức xúc, việc vận động xây dựng ngoài HLAT đường bộ là khó khăn. Và cũng vì lý do HLAT đường bộ còn là đất của dân nên ngành Công an chưa thể tham gia xử lý cưỡng chế theo quy định.
Do tính chất công tác quản lý HLAT đường bộ khó khăn, phức tạp, còn bất cập nên quá trình thực hiện các đơn vị, bộ phận chức năng có liên quan chưa phối hợp thật chặt chẽ, đôi lúc xảy ra trường hợp đùn đẩy nhiệm vụ, trách nhiệm.
Để đạt mục đích, hiệu quả trong công tác quản lý HLAT đường bộ, đề nghị ngành Giao thông có báo cáo tình hình quản lý, thống kê thực trạng, tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Chỉ thị về việc quản lý HLAT đường bộ nhằm tăng cường trách nhiệm của đơn vị, bộ phận chức năng trong thi hành nhiệm vụ và có cơ sở để vận động, xử lý người xây dựng lấn chiếm HLAT đường bộ.
Về giải pháp thực hiện, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh đề xuất: Các sở, ngành và lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định về phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các quy định về xử lý các trường hợp công trình xây dựng và đất nằm trong HLAT đường bộ, các hình thức xử lý vi phạm hành chính liên quan.
Tăng cường việc phối hợp xử lý vi phạm HLAT đường bộ, đặc biệt giữa UBND cấp xã và các Đội Thanh tra GTVT đóng trên địa bàn. Đoạn Quản lý giao thông rà soát, kiểm tra lại số lượng, tình trạng các cọc giải phóng mặt bằng trên đoạn tuyến; phối hợp UBND các xã khôi phục lại các cọc bị hư hỏng, mất. Khẩn trương rà soát lại các trường hợp lấn chiếm đất công, các trường hợp xây dựng gây mất ATGT để tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ theo quy định.
Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quyết định 41/2013/QĐ-UBND một số nội dung sau: Quy định tất cả các công trình khi xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đều phải nằm ngoài phạm vi đất của đường bộ. Đối với các công trình xây dựng kiên cố (nhà ở, lều quán… trừ hàng rào) nằm trong HLAT đường bộ chỉ được phép xây dựng ngoài phạm vi tính từ tim đường hiện hữu ra mỗi bên 12 m, kèm theo điều kiện chủ sở hữu công trình có cam kết không bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Lồng ghép đánh giá thi đua kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý HLAT đường bộ vào việc xét thi đua của từng tổ chức, cá nhân có liên quan. Bố trí lực lượng tuần đường chuyên trách để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của nhân viên tuần đường, bố trí lực lượng tuần kiểm chuyên trách.