Tai thính, mắt tinh
Trưa. Công việc tại Trạm radar Sơn Trà (Công ty Quản lý bay miền Trung, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam) tất bật. Anh Đỗ Việt Hải (SN 1976, quê Đà Nẵng) dán mắt vào hàng chục chấm tròn li ti đang di chuyển theo các đường thẳng, cong chồng chéo, phức tạp trên màn hình máy tính. Một chấm đỏ không di chuyển theo đường bay cụ thể lập tức được anh Hải phát giác, điện báo kiểm soát viên (KSV) không lưu (Sân bay Đà Nẵng) phối hợp theo dõi “vật thể lạ”. Nghiêng đầu tì điện thoại vào vai, anh Hải tính toán khả năng đe dọa của vật thể đến các chuyến bay trong vùng quản lý, chỉ thở phào khi chấm đỏ ra khỏi màn hình radar. “Phải nhanh mắt, tập trung, không để sót bất cứ một mục tiêu nào”, anh Hải nói gọn.
Ở phòng điều hành, anh Nguyễn Tự Lực, Đội trưởng Đội radar tỉ mỉ căn chỉnh tần sóng âm thanh để “hòa âm” giữa KSV và phi công cần liên hệ. Tay anh thoăn thoắt gõ dòng thông tin chỉ đạo để chuyển thẳng lên màn hình trước mặt phi công. “Tiếng Việt nhiều khi vẫn… phải dịch. Nhiều ông nói giọng địa phương khó nghe lắm. Nhưng giờ thiết bị hiện đại rồi, ai nói không nghe rõ thì mình gõ text rồi truyền bằng vệ tinh, trao đổi qua lại chính xác hơn”, anh Lực dí dỏm.
Rất khó để các kỹ thuật viên radar rời mắt khỏi màn hình khi trên đầu là hàng triệu hành khách
Nằm trên đỉnh Sơn Trà, tòa nhà trạm radar lúc nào cũng đầy gió. Không chỉ cao, tòa nhà radar phải đảm bảo độ thông thoáng, để máy quét hoạt động tối ưu nhất. Sóng radar của Trạm Sơn Trà không những bao quát ra khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hỗ trợ rất lớn cho KSV không lưu tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Khó khăn và áp lực là vậy, nên các anh luôn phải mắt sáng, trí tinh để theo kịp diễn biến bay trên bầu trời.
Theo anh Lực, hệ thống radar được ví như “mắt thần Đông Dương” được đưa vào sử dụng từ năm 1995 phục vụ công tác kết nối thông tin liên lạc, truyền toàn bộ dữ liệu, hình ảnh thu thập được về Trung tâm điều hành bay mặt đất xử lý. Cùng một thời điểm, trên màn hình có thể phát hiện và hiển thị 60 tàu bay cùng di chuyển. Nói chính xác, Trạm radar Sơn Trà là nút trung gian kết nối liên lạc giữa phi công với mặt đất, đảm bảo cho các chuyến bay luôn trong trạng thái an toàn nhất.
Nỗi niềm thợ “canh trời”
Nằm ở TP Đà Nẵng nhưng đường lên đỉnh Sơn Trà qua hàng loạt khúc cua hiểm trở, giữa rậm rạp cây lá. Cách biệt địa lý, điều kiện sinh hoạt khiến cán bộ nhân viên “canh trời” nơi “mắt thần Đông Dương” có nhiều chuyện vui buồn khó tả. Giờ đường lên trạm tương đối thuận lợi, điều kiện đi lại, chế độ “trực chiến” của anh em quản lý bay đỡ “căng” hơn trước nhưng với những cán bộ thâm niên gác đỉnh Sơn Trà, nghiệp “ăn sương, nằm gió” canh trời đong đầy kỷ niệm. Hơn 20 năm tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, anh Lực dành trọn cả sự nghiệp của mình về tại Trạm radar Sơn Trà 1 (cách Trạm Sơn Trà 2 hiện tại gần 1km). “Đến giờ này chúng tôi vẫn phải sử dụng nước mưa dự trữ trong bể xi măng làm nước sinh hoạt hàng ngày. Thời đó, lâu lâu anh em lại kéo nhau xuống khe lấy nước về nấu ăn, tắm giặt. Sợ nhất là rắn rừng Sơn Trà, nhiều vô kể. Chẳng may bị cắn thì nguy lắm vì chờ xe cấp cứu lên được thì khó mà sống nổi”, anh Lực nhớ lại.
Ngày đường lên trạm còn khó khăn, mọi người phải thuê xe thồ đến chân núi rồi lội bộ lên đỉnh. Ngay cả đội xe thồ chuyên dụng, dùng toàn xe Minsk thời chống Mỹ, chạy được lên trạm radar cũng toát hết mồ hôi, anh Lực kể. Nhiều hôm nhớ nhà, nhớ vợ con, anh lại ra vách núi đứng nhìn xuống thành phố. Sau này có điện thoại liên lạc, mọi thứ đỡ vất vả hơn. Nhưng khi vợ và hai con đau ốm, anh vẫn thói quen cũ, gọi điện thoại xong lại ra vách núi đứng nhìn…
Toàn cảnh trạm radar Sơn Trà 2 vừa khánh thành ngày 31/7
Đơn vị dân sự nhưng đặc thù các trạm radar với chế độ nghiêm ngặt chẳng khác nào quân sự. 16 năm “canh trời” nơi mắt thần Đông Dương, để lại quá nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có với anh Hải. Nhớ nhất là khi đối phó với cơn bão lịch sử Xangsane vào ngày 1/10/2006. “Lúc đó tôi cùng ba anh em khác và một nhân viên an ninh ngồi trực máy với tâm trạng lo lắng. Lúc đầu là những trận mưa như trút. Vài tiếng sau, cả khoảng không ngoài trạm bao phủ một màu trắng xóa”, anh Hải kể.
Đang căng đầu óc với hàng chục chuyến bay trên màn hình, các nhân viên nghe một tiếng động vang trời từ nóc quả cầu bọc ăng-ten, nước mưa ào vào xối xả. Chẳng mấy chốc, nước ngập lênh láng khoang chứa ăng-ten, gió thổi tốc liên hồi đe dọa đánh vỡ lớp kính cường lực ngăn tầng trên cùng với các tầng dưới. Tình huống nguy cấp, anh Hải cùng các đồng nghiệp thông báo cho KSV không lưu tại sân bay Đà Nẵng cùng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam về việc tắt sóng radar nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống trang thiết bị.
“Nhìn lên lớp kính chắn ăng-ten chúng tôi mới biết do cây rừng bị gió lớn thổi gãy, bay đến đâm xuyên qua quả cầu. Cảnh tượng lúc đó rất hãi hùng, lần đầu tiên chúng tôi gặp bão to như vậy”, anh Hải nói và cho biết, sáng hôm sau khi trời tạnh ráo, chỉ huy Trạm radar Sơn Trà 1 huy động lực lượng trèo lên quả cầu dùng gàu múc nước tạt ra ngoài. Mất nhiều tiếng đồng hồ, các anh mới múc đến những gàu nước cuối cùng. Sau đó, các nhân viên vốn chỉ chuyên về kỹ thuật tự tay tháo gỡ ăng-ten bị quật gãy, chỉnh sửa ăng-ten đường ngắn còn sử dụng được. Đà Nẵng sau bão xác xơ, các nhân viên chung tay chạy đua với thời gian để khắc phục sự cố, kích hoạt lại các thiết bị điều hành bay phục vụ công tác bay cứu trợ sau bão. Các chuyến bay đáp xuống Sân bay Đà Nẵng an toàn ngay ngày hôm đó có công sức rất lớn của tốp nhân viên lăn xả cứu radar.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Mạnh Sỹ, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung cho hay: Điều kiện làm việc của anh em trạm radar được cải thiện hơn nhiều nhưng với đặc thù ở vị trí cao, xa, đi lại khó khăn, cách trở mọi người rất quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Những năm qua, các trạm radar trên địa bàn vượt khó, hoàn thành tốt công việc của mình, góp phần đảm bảo an toàn cho các chuyến bay.