Hiệp hội Xúc tiến ngoại giao nhân dân Nhật Bản mong muốn có thêm nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam

Thứ hai, 10/10/2016 15:33

Chiều 10/10/2016, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã tiếp và làm việc với Đoàn Hiệp hội Xúc tiến ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC) do ông Nakagaki Yoshihiko – Phó chủ tịch dẫn đầu.

Trong lĩnh vực GTVT, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam

Tại buổi làm việc, ông Nakagaki Yoshihiko – Phó chủ tịch FEC cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã dành thời gian tiếp Đoàn và nhận định, Việt Nam đang là một nước có tốc độ phát triển khá cao, do đó yêu cầu đối với hạ tầng GTVT ngày càng tăng. Đặc biệt để đáp ứng việc giao thương với quốc tế của Việt Nam thời gian tới, ông Nakagaki Yoshihiko cho rằng, Việt Nam cần có những cảng biển quy mô, nước sâu nhằm đáp ứng nhu cầu XNK và một số cảng biển đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa... Và để xây dựng được những cảng biển như vậy, chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức, trong đó quan trọng nhất là huy động nguồn vốn. Vì vậy, theo ông Nakagaki Yoshihiko, Việt Nam nên áp dụng hình thức PPP trong việc đầu tư vào các dự án cảng biển. trong chuyến thăm và làm việc lần này, FEC  muốn tìm hiểu chủ trương của Việt Nam về vấn đề này. Ngoài ra phí FEC cũng rất quan tâm đến lĩnh vực đóng tàu, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam của Việt Nam.

FEC  muốn tìm hiểu chủ trương của Việt Nam về đầu tư cơ sở hạ tầng GTVT

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản đã có những bước tiến rất mạnh mẽ. Trong lĩnh vực GTVT, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Các dự án hạ tầng GTVT do Nhật Bản tài trợ đều là các dự án lớn, góp phần tích cực vào việc thúc đẩu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng mong rằng hai bên sẽ có những hợp tác trong thời gian tới

Thứ trưởng Nguyễn Nhật giới thiệu với FEC những nét chính của ngành GTVT VIệt Nam. Về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Chính phủ đã giao Bộ GTVT khởi động lại Dự án, dự kiến đến 2020 sẽ khởi công xây dựng. “Trong tháng 10, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét thông qua Luật Đường sắt sửa đổi. Trong đó có 1 chương nói về đường sắt tốc độ cao, đây là tiền đề để Bộ GTVT triển khai dự án này”, Thứ trưởng cho biết. Từ năm 2008, JICA đã giúp Bộ GTVT Việt Nam nghiên cứu khả thi về Dự án, vì vậy, khi triển khai, Bộ GTVT cũng sẽ tìm kiếm hỗ trợ, giúp đỡ chủ yếu từ Nhật Bản.

Về hàng hải, khu vực phía Bắc Việt Nam có cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đến năm 2018 đưa vào khai thác sẽ tiếp nhận được tàu trọng tải đến 100.000 DWT, phía Nam có Dự án cảng Cái Mép Thị Vải (sử dụng vốn ODA của Nhật Bản) hiện có thể tiếp nhận tàu đến 150.000DWT, và hệ thống cảng biển phục vụ vận tải ven biển và nội địa tương đối hoàn chỉnh. Thứ trưởng cũng cho biết, hiện còn có Dự án cảng nước sâu Vân Phong (Khánh Hòa với độ sâu -50 đến -60m) và cảng trung chuyển than tại khu vực Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh đang được nghiên cứu đầu tư. Về đóng tàu, theo thứ trưởng Nguyễn Nhật, Việt Nam đã từng đứng thứ 5 thế giới trong lĩnh vực này, tuy nhiên do suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến ngành hàng hải và đóng tàu của Việt Nam. Hiện, Chính phủ Việt Nam đang tái cơ cấu lại ngành hàng hải và tập trung vào 7 nhà máy đóng tàu lớn trên toàn quốc. Ngành đóng tàu Việt Nam mong muốn hợp tác với các nhà máy đóng tàu Nhật Bản trong tương lai.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng cho biết, quan điểm, chính sách đầu tư của Việt Nam là đầu tư cơ sở hạ tầng GTVT theo hình thức PPP, vì vậy, Thứ trưởng cũng đề nghị ông Nakagaki Yoshihiko giúp đỡ, thông tin đến các doanh nghiệp Nhật Bản về dự án đường sắt tốc độ cao cũng như các dự án trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, đóng tàu để hai bên có cơ hội hợp tác trong thời gian tới.

H.N

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:190806
Lượt truy cập: 176.071.327