Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Tổng giám đốc đơn vị này cho biết, đôi tàu hàng này mang mác hiệu HH7/8, có nhiều ưu điểm so với các mác tàu hàng hiện nay trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Đoàn tàu gồm 18 toa, tổng trọng 800 tấn, chạy suốt từ Giáp Bát – Sóng Thần và ngược lại.
Các đại biểu cắt băng khai trương tàu hàng hành trình 51h
Với hành trình cố định như vậy, tàu không dừng đỗ, xếp, dỡ hàng, không cắt nối toa xe dọc đường nên thời gian chạy tàu giữa Giáp Bát – Sóng Thần rút ngắn xuống còn 51 giờ thay vì gần 70 giờ như tàu hàng thông thường và rút ngắn được 7 giờ so với tàu chuyên tuyến nhanh nhất hiện nay (tàu hàng chuyên tuyến 58 giờ). Hơn nữa, giờ xuất phát và giờ về ga đến của đoàn tàu rất phù hợp để chủ hàng xếp, dỡ hàng và đưa hàng đến các điểm được ngay, không phải chờ đợi.
Ngoài việc lựa chọn các toa xe tốt nhất theo yêu cầu của khách hàng để lập tàu, Haraco còn bố trí theo tàu 2 nhân viên áp tải, trông coi hàng hóa trong suốt hành trình vì đây là các mặt hàng có giá trị cao, cần sự bảo vệ, bảo quản tốt. "Mặc dù là tàu nhanh nhưng thời gian đầu Haraco khuyến mãi giá cước vận tải đoàn tàu ngang bằng với giá cước các đoàn tàu khác có hành trình dài hơn", ông Hoan cho biết thêm.
Chúc mừng Haraco có thêm sản phẩm mới phục vụ khách hàng, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, đây là sản phẩm mới nhưng cũng là nhu cầu thiết yếu đối với sự tồn tại, ổn định, phát triển của ngành Đường sắt nói chung, từng công ty vận tải đường sắt nói riêng, trong đó có Haraco.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT Haraco cho biết, những đổi mới, nỗ lực tìm kiếm khách hàng, chân hàng vừa qua của Haraco là nhằm mục tiêu làm khách hàng hài lòng hơn nữa. “Phương châm phục vụ của chúng tôi là: khách hàng không phải đi đâu cả, Haraco mới là người phải di chuyển và vận chuyển, kể cả những thủ tục như lập vận đơn, khai các biểu mẫu… chúng tôi cố gắng hướng tới sẽ có người đến tận nơi để khách hàng ký, khách hàng chỉ việc theo dõi hành trình hàng đi theo tàu”, ông Cường nói.
Trước mắt, Haraco chạy 3 đôi tàu/tuần, dự kiến cuối tháng 10/2016 sẽ nâng lên chạy đủ các hành trình trống còn lại trong tuần. Khi đó, hàng hóa vận chuyển chủ yếu là công nghệ phẩm, bưu chính chiều từ Bắc vào Nam và hàng điện tử, bách hóa chiều từ Nam ra Bắc.