Toàn cảnh Hội nghị.
Báo cáo của Vụ Vận tải cho biết, qua 9 tháng thực hiện việc thí điểm triển khai xe hợp đồng điện tử, được sự quan tâm chỉ đạo hướng dẫn của Bộ GTVT và Sở GTVT các địa phương thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Khánh Hòa … các đơn vị tham gia thí điểm đã bám sát nội dung quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT để thực hiện và đã có kết quả bước đầu khá tốt.
Hầu hết khách đi xe hiện đã quen với loại hình vận tải này và tỏ ý đồng tình với chủ trương của nhà nước về việc cho ra đời xe hợp đồng điện tử. Coi đây là việc làm hợp với quy luật thị trường, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lành mạnh. Cụ thể, với Đề án thí điểm GrabCar, từ ngày 26/01/2016 đến nay, Công ty TNHH GrabTaxi đã chủ động phối hợp với Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh và Sở GTVT Thành phố Hà Nội để triển khai Đề án thí điểm trên địa bàn hai thành phố.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH GrabTaxi vẫn đang thực hiện cung cấp dịch vụ kết nối cho các xe vận tải hành khách theo hợp đồng của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Số lượng xe GrabCar tại hai thành phố đã phần nào đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách và số liệu cụ thể được báo cáo đầy đủ theo định kỳ hàng tháng cho Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh và Sở GTVT Thành phố Hà Nội. Thời gian chờ xe đến đón là dưới 5 phút, hệ số sử dụng quãng đường (số km có khách hoặc chạy rỗng tính bình quân cho 100km xe lăn bánh) tại Thành phố Hà Nội là 88,1 và Thành phố Hồ Chí Minh là 89,6%.
Công ty TNHH GrabTaxi đã xây dựng chương trình tập huấn cho các lái xe tham gia Đề án thí điểm GrabCar về cách thức vận hành ứng dụng kết nối, điều kiện và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ, cung cách phục vụ hành khách, và các phương thức thanh toán. Bên cạnh đó, Công ty cũng có tổng đài 24/7 để hỗ trợ các lái xe về các vấn đề gặp phải trong quá trình cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, Công ty TNHH GrabTaxi đã chính thức bổ sung phương thức thanh toán thẻ cho xe GrabCar. Hành khách có thể lựa chọn thanh toán phí dịch vụ bằng thẻ thanh toán quốc tế. Sau khi kết thúc chuyến đi, phí dịch vụ sẽ tự động được chuyển từ tài khoản của hành khách đến tài khoản của Công ty TNHH GrabTaxi tại Việt Nam.
Tổng hợp báo cáo của các Sở GTVT liên quan, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam đối với triển khai Đề án thí điểm V-Car, báo cáo của Vụ Vận tải cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam đang thực hiện cung cấp dịch vụ kết nối cho các xe vận tải hành khách theo hợp đồng của tại Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh với số lượng 200 xe. Số lượng xe V.car tại hai thành phố này đã góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách và số liệu cụ thể được báo cáo đầy đủ theo định kỳ hàng tháng cho Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh và Sở GTVT Khánh Hòa. Thời gian chờ xe đến đón là dưới 3 phút, hệ số sử dụng quãng đường tại thành phố Hồ Chí Minh là 62.3%, tại tỉnh Khánh Hòa là 47.2%. Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam cũng đã tổ chức Quy trình nội bộ giải quyết khiếu nại của hành khách và của lái xe, quy định rõ trách nhiệm của từng nhân viên, bộ phận, và thời hạn giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam cũng áp dụng thanh toán cho khách hàng các hình thức như: Thanh toán tiền mặt, thanh toán bằng Coupon do công ty phát hành, Thanh toán bằng thẻ ATM thông qua hệ thống thanh toán bằng máy POS lắp trên xe.
Về công tác quản lý, kiểm tra và xử lý xe hợp đồng dưới 9 chỗ, báo cáo cho biết, để thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng một cách có hiệu quả và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch, tránh độc quyền, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ GTVT đã ban hành Công văn số 9746 và Công văn số 9935 gửi Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Đến nay, các Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo Vụ Vận tải, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu tham gia thí điểm xây dựng đề án trình Bộ GTVT phê duyệt; chỉ đạo Sở GTVT các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tham gia thí điểm thực hiện nghiêm túc Quyết định 24; chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở GTVT các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm phối hợp với lực lượng Công an, cơ quan Thuế, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đặc biệt đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế.
Bộ cũng yêu cầu các Sở Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị tham gia thí điểm trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành và các quy định tại Quyết định 24. Đồng thời, cung cấp danh sách phương tiện tham gia thí điểm trên địa bàn cho cơ quan Cảnh sát giao thông, cơ quan thuế cùng cấp để kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, phương tiện tham gia thí điểm; tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố, phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn để xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với xe vận tải hành khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ.
DT