Thực trạng hút thuốc lá tại Việt Nam
Sử dụng thuốc lá gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm như: các bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp mãn tính và nhiều loại bệnh nghiêm trọng. Trên toàn cầu, có khoảng 6 triệu người tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành trên 15 tuổi là 23,8%; trong đó nam giới là 47,4% và nữ giới là 1,4%. Có khoảng 73,1% và 55,9% người trưởng thành cho biết đã từng bị hút thuốc lá thụ động tại gia đình và tại nơi làm việc trong 30 ngày trước đó. Mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam rất cao nhưng mức thuế đánh vào các sản phẩm thuốc lá vẫn còn ở mức thấp và chỉ bằng 41,6% giá bán lẻ. Đó chính là những con số biết nói liên quan đến việc sử dụng thuốc lá theo kết quả Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010.
Vậy điều tra GATS là gì?
Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (gọi tắt là điều tra GATS) là một điều tra chuẩn toàn cầu nhằm giám sát một cách có hệ thống tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (cả thuốc lá có khói và thuốc lá không khói) và theo dõi các chỉ số cơ bản về hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các nước. Trên thế giới, điều tra GATS được hỗ trợ tài chính từ chương trình Sáng kiến Bloomberg nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá trên toàn cầu. Các tổ chức tham gia thực hiện điều tra GATS gồm: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Quỹ CDC Foundation, Đại học Y tế công cộng Jonhs Hopkins Bloomberg và phối hợp với cơ quan đầu mối của mỗi quốc gia. Điều tra GATS lần đầu tiên được thực hiện tại 15 nước, lần 2 điều tra GATS được hiện tại 6 nước.
Điều tra GATS tại Việt Nam
Hội thảo Phố biến kết quả điều tra GATS lần thứ 2 tại Việt Nam năm 2015
Tại Việt Nam, điều tra GATS được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2010. Kết quả điều tra GATS năm 2010 đã cung cấp những thông tin quan trọng cho việc vận động xây dựng và thực hiện chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá. Để cập nhật các thông tin về Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam năm 2015, điều tra GATS lần thứ hai được thực hiện tại Việt Nam đã kịp thời nhằm đánh giá thực trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá ở người trưởng thành trên 15 tuổi, hỗ trợ đánh giá tiến độ và định hướng cho xây dựng chính sách và đề xuất các giải pháp can thiệp phù hợp trong thời gian tới về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Được biết, nhóm điều phối thực hiện điều tra GATS Việt Nam có sự tham gia của: PGS.TS. Hoàng Văn Minh (Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế Công cộng), PGS.TS. Kim Bảo Giang (Đại học Y Hà Nội); ThS. Phan Thị Hải và Th.S Đoàn Thị Thu Huyền (Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế); ThS. Nguyễn Thế Quân và ThS. Phan Văn Cần (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư); ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga và ThS. Nguyễn Tuấn Lâm (Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam).
Thông tin bên lề cho biết, Việt Nam đã tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá vào ngày 8 tháng 8 năm 2003 và phê chuẩn vào ngày 11 tháng 11 năm 2004. Năm 2012, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong công tác kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định những nơi không được hút thuốc, áp dụng cảnh báo sức khỏe cả bằng chữ và hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá, cấm hoàn toàn việc quảng cáo, khuyến mại thuốc lá và thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá đầu tiên tại Việt Nam, góp phần đảm bảo nguồn tài chính bềnh vững.
Phòng Truyền thông (tổng hợp)