Điều tra GATS 2015 tại Việt Nam được thiết kế để đảm bảo mang tính đại diện quốc gia, cho toàn bộ nam và nữ 15 tuổi trở lên theo hộ gia đình, không sống tại các cơ sở tập trung. Cỡ mẫu được tính toán để có được ước tính chính xác các biến quan trọng theo giới tính và khu vực thành thị/nông thôn. Điều tra này áp dụng thiết kế chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống phân tầng, theo hai giai đoạn. Giai đoạn chọn mẫu đầu tiên, đơn vị mẫu cơ bản (PSU) là một địa bàn điều tra (EA). Trung bình, mỗi địa bàn điều tra tại vùng đô thị có 133 hộ gia đình và mỗi địa bàn điều tra tại vùng nông thôn có 120 hộ gia đình. Khung mẫu là 15% của dàn mẫu chủ của Việt Nam bao gồm 170.000 địa bàn điều tra. Các mẫu của điều tra GATS 2015 tại Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên phân tầng sử dụng cách tiếp cận cỡ mẫu xác suất tỷ lệ.
Điều tra GATS giúp đề xuất giải pháp kiểm soát tình trạng hút thuốc lá tại Việt Nam
Để điều tra được 8.000 hộ dân, cỡ mẫu cần thiết bao gồm 315 địa bàn điều tra tại thành thị và 342 địa bàn điều tra tại nông thôn. Giai đoạn chọn mẫu thứ hai, để có được 4.100 người cho mỗi tầng thành thị và nông thôn, 10% hộ gia đình tại mỗi địa bàn điều tra được chọn. Cụ thể, bằng phương pháp ngẫu nhiên hệ thống để chọn 15 hộ gia đình tại địa bàn điều tra thành thị và 14 hộ gia đình tại địa bàn điều tra nông thôn. Từ đó chọn được tổng số 9206 hộ gia đình tham gia phỏng vấn (4.543 hộ thuộc khu vực thành thị và 4.663 hộ thuộc khu vực nông thôn). Mỗi gia đình chọn ngẫu nhiên một thành viên trong nhóm tuổi từ 15 trở lên để phỏng vấn. Tỷ lệ tham gia phỏng vấn trong điều tra 95,8%.
Bộ câu hỏi điều tra GATS 2015 Việt Nam bao gồm các câu hỏi cơ bản và tùy chọn với tình hình Việt Nam. Bộ câu hỏi gồm 10 phần: bao gồm: Thông tin chung; Hút thuốc lá; Hút thuốc lá điện tử; Hút thuốc lá không khói; Cai nghiện thuốc lá; Hút thuốc lá thụ động; Kinh tế; Truyền thông; Kiến thức, thái độ và nhận thức về tác hại thuốc lá; Quan sát cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá.
Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế là đơn vị điều phối tổ chức thực hiện điều tra này. Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện chọn mẫu và thu thập số liệu. Trường Đại học Y Hà Nội tham gia phân tích số liệu và viết báo cáo. Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam hỗ trợ giám sát và các vấn đề kỹ thuật Tất cả các cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng Tiếng Việt và sử dụng máy tính bảng Galaxy để thu thập dữ liệu. Số liệu được phân tích bằng phần mềm SPSS phiên bản 22, trọng số được sử dụng trong khi tính toán.
(Sưu tầm)