Sửa Luật sẽ tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt

Thứ sáu, 18/11/2016 12:47

Sáng nay (18/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Trước đó một tuần, Dự án Luật đường sắt (sửa đổi) đã được các ĐBQH thảo luận và cho ý kiến tại tổ, đa số các đại biểu thống nhất với tính cần thiết khi sửa đổi Luật, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị của ban soạn thảo đối với các nội dung quy định trong Luật.

BQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội): Cần ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt đô thị để giảm ùn tắc nội đô

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa giải trình
làm rõ thêm ý kiến của các ĐBQH về dự án Luật đường sắt (sửa đổi)

"Đường sắt tốc độ cao sẽ tự sinh ra tiền"

Góp ý kiến vào Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới dự án đường sắt tốc độ cao.

ĐB tỉnh Bình Định ủng hộ bổ sung các quy định về đường sắt tốc độ cao trong luật để làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng có được tuyến đường sắt tốc độ cao mới tận dụng được lợi thế của giao thông đường sắt trong phát triển kinh tế xã hội. “Chúng ta không thiếu tiền để xây dựng, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tự sinh ra tiền, dự án này không chỉ giúp phát triển ngành GTVT mà còn tạo ra diện mạo mới cho 21 địa phương mà nó đi qua.

Nếu Chính phủ tận dụng hết tiềm năng mà dự án này mang lại thì chúng ta sẽ không phải vay vốn”, ông Cảnh nhấn mạnh và đề xuất trong dự án Chính phủ trình Quốc hội, sẽ có một nội dung đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để Chính phủ có thể xây ít nhất 21 khu đô thị tại các ga đường sắt khi đường sắt đi qua, đồng thời xây ít nhất 21 trung tâm thương mại tại các ga này. Theo đó, tiền thu được sau khi bán đất nền thổ cư của các khu đô thị, tiền cho thuê mặt bằng các trung tâm thương mại này sẽ dành đầu tư cho dự án, trong đó có trích một phần cho dự án đầu tư hạ tầng xã hội.

BQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội): Cần ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt đô thị để giảm ùn tắc nội đô

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng nếu có tuyến đường sắt tốc độ cao,
chúng ta sẽ tận dụng được lợi thế của giao thông đường sắt để phát triển kinh tế

ĐB tỉnh Bình Định cho rằng, khi dự án không phải vay vốn, chúng ta cũng sẽ chủ động trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp mà không phải phụ thuộc vào bất cứ nước nào.

“Sau này, người dân, doanh nghiệp sẽ được sử dụng đường sắt tốc độ cao với chi phí thấp do Nhà nước đầu tư. Nhưng hiện nay, việc sử dụng vốn hiệu quả và chúng ta có làm chủ được công nghệ hay không là điều chúng ta cần quan tâm hơn cả.

“Khi dự án được triển khai, chúng ta có thể tham gia nội địa hoá được bao nhiêu phần trăm, dự án thực hiện xong chúng ta có thể tự sửa chữa, bảo dưỡng, tự sản xuất được phụ tùng thay thế hay không, phải kệ thuộc vào đội ngũ chuyên gia nước ngoài làm tốn kém tiền của không đáng?” – ĐB đặt vấn đề và cho rằng, lời giải cho vấn đề này chính là việc cần có ngành công nghiệp đường sắt phát triển, để có được kết quả này thì phải có đầu ra tương đối lớn cho ngành công nghiệp đường sắt.

“Theo quy hoạch đến năm 2020, chúng ta sẽ tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp hiện đại hoá tuyến đường sắt HN-TP.HCM, đây là đầu ra khả thi duy nhất cho ngành công nghiệp đường sắt thời gian tới. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm trong 80 nghìn tỷ dự kiến phân bổ cho các dự án trọng điểm quốc gia về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 cần dành vốn cho dự án trọng điểm là dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá trong nước mà giúp ngành công nghiệp đường sắt phát triển, giúp nội địa hoá tối đa dự án đường sắt tốc độ cao, là tiền đề làm chủ công nghệ các công trình giao thông đường sắt trong cả nước” – ĐB phân tích rõ.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng cho rằng chính sách phát triển đường sắt cần đưa ra lộ trình rõ ràng. Quốc hội cần quan tâm  bố trí một khoản nhỏ trong gói 80 nghìn tỷ đầu tư trung hạn cho nghiên cứu khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, để sau năm 2020 có điều kiện triển khai dự án.

“Bên cạnh đó, phải giữ cho được quỹ đất làm đường sắt cao tốc sau này. Đây là vấn đề nhức nhối khi quỹ đất của đường sắt hiện nay đang bị chia năm xẻ bảy bởi nhiều lý do",  ĐB Thường nêu ý kiến.

Tách bạch kinh doanh hạ tầng và vận tải

Đa số ĐBQH khi thảo luận về Luật đường sắt (sửa đổi) đều thống nhất với tính cần thiết phải sửa đổi Luật để tạo động lực mới cho phát triển đường sắt.

BQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội): Cần ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt đô thị để giảm ùn tắc nội đô

ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội): Cần ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt đô thị để giảm ùn tắc nội đô

Các ĐB cũng nhất trí quan điểm phải có lộ trình tách bạch giữa kinh doanh hạ tầng và kinh doanh vận tải đối với đường sắt quốc gia để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư, có chính sách ưu đãi cho phát triển loại hình giao thông này.

ĐB Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) cho rằng, về yêu cầu chung, Luật Đường sắt (sửa đổi) cần đảm bảo 4 mục tiêu: Phát triển giao thông đường sắt theo cơ chế thị trường, tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt theo hướng hiện đại, hiệu quả; Tách bạch chức năng quản lý của cơ quan Nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt chú ý đến cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt. Cuối cùng là tăng cường hội nhập quốc tế nhằm gắn kết với đường sắt các nước trên cơ sở chia sẻ về mục tiêu, lợi ích, giá trị, nguồn lực…

Tờ trình về Dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội cũng nhấn mạnh quan điểm phải tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư; tăng cường công tác quản lý nguồn vốn nhà nước đầu tư cho đường sắt.

Cần đầu tư đường sắt đôi Bắc - Nam, điều chỉnh các ga để tăng tính kết nối

Phát biểu tại hội trường, ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng trong 10 năm qua, nếu giám sát tất cả các loại hình vận tải của ngành giao thông thì riêng lĩnh vực đường sắt “gần như không phát triển”. “Vì vậy, việc sửa Luật lần này sẽ tạo động lực mới cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, phát triển vận tải và làm sao nâng cao vai trò của vận tải đường sắt” – ĐB Thể nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Thể  cũng băn khoăn khi dự luật ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển đường sắt, nhưng để các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp cận các chính sách ưu đãi thế nào lại chưa rõ.

ĐB này đề xuất cần đầu tư đường sắt đôi Bắc - Nam, vì nếu có đường sắt đôi thì mỗi ngày chúng ta có thể đi vài trăm chuyến Bắc Nam, tiết kiệm thời gian, chắc chắn hành khách đi sẽ ưu tiên lựa chọn, giảm áp lực cho đường bộ.

Về các ga đường sắt, ĐB cho rằng đây được coi là các đầu mối giao thông, nhưng nhiều ga ngày nay chỉ là điểm lên xuống, không có tác dụng vì không có kết nối với đường bộ. Bởi vật cần phải điều chỉnh lại các ga để hình thành mạng lưới trung chuyển hành khách, hàng hóa hiệu quả.

Ngoài ra, nhiều ý kiến của các ĐBQH khác cũng đề cập đến những vấn đề quan trọng trong Luật như vấn đề tạo cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào đường sắt, bảo vệ hành lang an toàn đường sắt, dần xoá bỏ các lối đi dân sinh cắt ngang đường sắt – vốn là nơi tiềm ẩn tai nạn giao thông…

BQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội): Cần ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt đô thị để giảm ùn tắc nội đô

ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) tin tưởng việc sửa luật sẽ tạo động tức cho đường sắt phát triển

Giải trình sau khi nghe ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Luật, Bộ GTVT đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành thực hiện một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng các công tác: tổng kết thi hành Luật Đường sắt sửa đổi năm 2005, soạn thảo Luật đường sắt sửa đổi tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ quá trình khảo sát, nghiên cứu, biên dịch tài liệu, lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp các chuyên gia trong và ngoài nước đến việc tổ chức các hội nghị thẩm định, thẩm tra…

Khẳng định đây là một dự án Luật quan trọng được Quốc hội, nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đường sắt bởi đây vốn là một phương thức vận tải hàng hoá và hàng khách khối lượng lớn, hiệu quả, thân thiện với môi trường và rất nhiều tiềm năng để chúng ta khai thác.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thay mặt cơ quan soạn thảo xin tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, cùng các cơ quan thẩm tra tổng hợp đầy đủ và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng. Cơ quan soạn thảo sẽ làm việc có trách nhiệm trong việc tiếp thu ý kiến, tạo sự đồng thuận cao trước khi trình Quốc hội và mong muốn dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sau”- Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

 

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:121383
Lượt truy cập: 176.113.469