Tổ công tác ba nước đã hoàn thành đàm phán và trình các Thủ tướng ký Hiệp định xúc tiến
và tạo thuận lợi thương mại trong Khu vực Tam giác phát triển CLV
Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 9 tập trung thảo luận về tình hình triển khai các thỏa thuận của ba Thủ tướng tại Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 8; Định hướng hợp tác Khu vực trong thời gian tới. Thủ tướng ba nước ký Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 9.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị
Tại Hội nghị lần này, Tổ công tác ba nước đã hoàn thành đàm phán và trình các Thủ tướng ký Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong Khu vực Tam giác phát triển CLV. Cùng với việc đồng bộ triển khai hạ tầng GTVT cả về phần cứng như khai thác, sử dụng các tuyến quốc lộ 13, 19, 29, 40, 14, 14B, 14D và 14E và phần mềm như Bản ghi nhớ Việt Nam – Lào – Campuchia về vận tải đường bộ (đã ký tháng 02/2013, tổ chức Lễ thông xe vào tháng 9/2015), Hiệp định thương mại này khi được triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực TGPT CLV nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Khu vực Tam giác phát triển và các vùng khác.
Trong lĩnh vực GTVT, ngành GTVT ba nước thời gian qua đã và đang tích cực hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy, triển khai các kết nối hạ tầng GTVT góp phần phát triển kinh tế, xã hội khu vực Tam giác phát triển của 3 nước Đông Dương.
Về hạ tầng, một tuyến đường đã được xác định là tuyến chiến lược kết nối các nước CLV là đường 13 (còn gọi là đường xuyên Đông Dương) xuất phát từ Viêng Chăn dọc theo QL13 qua cửa khẩu Nong Noong Khiên sang Campuchia và sang Việt Nam theo cửa khẩu Hoa Lư, theo QL13 về TP. Hồ Chí Minh ra cảng Cái Mép – Thị Vải.
Về vận tải, ba bên đã tích cực triển khai Bản ghi nhớ Việt Nam – Lào – Campuchia về vận tải đường bộ để thúc đẩy vận chuyển người và hàng hóa qua lại ba nước trong khu vực. Hội nghị ghi nhận kết quả triển khai thực hiện kiểm tra Một cửa Một lần dừng tại cửa khẩu Lao Bảo – Densavanh và kiến nghị phía Việt Nam và Campuchia sớm thúc đẩy triển khai mô hình này tại cửa khẩu Mộc Bài – Bà Vẹt.
Hội nghị ghi nhận sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương của ba nước trong việc triển khai các hoạt động hợp tác đề ra từ Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 8. Đặc biệt, Hội nghị đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản của Campuchia và Bộ Nông Lâm nghiệp của Lào hoàn thành dự thảo Nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp cao su tại khu vực Tam giác phát triển CLV. Để Nghiên cứu này đi vào thực tiễn, cụ thể, ba Thủ tướng đã giao Tổ công tác ba nước tiếp tục Dự thảo Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su để trình lên Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 10.
Hội nghị thống nhất giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ, ngành, địa phương của Lào và Campuchia tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động kết nối nền kinh tế ba nước CLV đến năm 2030 để trình Hội nghị Cấp cao lần tiếp theo xem xét thông qua. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng yêu cầu các Bộ ngành liên quan của ba nước tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực chuyên ngành như GTVT, thương mại, giáo dục,.... và tiếp tục đề xuất các nội dung hợp tác mới.
Hội nghị đã thống nhất và thông qua danh mục 15 dự án kêu gọi đầu tư, tài trợ từ các tổ chức tài chính, các đối tác phát triển (mỗi nước đề xuất 05 dự án), trong đó 05 dự án phía Việt Nam gồm: Dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 19 nối từ Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) về cảng biển Quy Nhơn (Bình Định), chiều dài 183km, tổng mức đầu tư dự kiến 1.100 tỷ đồng; Dự án nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đăk Lăk, quy mô 1.500-2.000 học sinh, tổng mức đầu tư dự kiến 300 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) gồm các dự án thành phần chợ cửa khẩu dự kiến tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, nhà máy cấp nước tổng mức đầu tư dự kiến 91 tỷ đồng; Dự án nâng cấp Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi (Kon Tum) từ 150 giường lên 250 giường, tổng mức đầu tư dự kiến 110 tỷ đồng và Dự án xây dựng tuyến đường 30km từ huyện Đăk R’lấp đến huyện Tuy Đức.
VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ