“Khoảng trống” về an toàn cảng, bến tại miền Trung

Thứ sáu, 25/11/2016 10:20

Việc thiếu vắng sự quản lý nhà nước về cảng, bến thủy trên những tuyến đường thủy nội địa quốc gia tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nhiều năm qua đã kéo theo những bất cập, tồn tại trong quản lý phương tiện thủy, người lái, vận tải và nguy cơ mất TTATGT đường thủy.

Bỏ ngỏ quản lý cảng, bến

Theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, tại các tỉnh Bắc miền Trung là  Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có 17 tuyến ĐTNĐ quốc gia được công bố, với tổng chiều dài hơn 450km. Trong số này, Thanh Hóa có 9 tuyến, Nghệ An 3 tuyến và Hà Tĩnh 5 tuyến.

Vài năm gần đây, sự phát triển kinh tế trong khu vực và mỗi địa phương đã kéo theo sự gia tăng hoạt động vận tải ĐTNĐ, thu hút DN, hộ kinh doanh đầu tư phương tiện vận tải, cảng bến. Như các khu vực khác trên cả nước, các tuyến đường thủy quốc gia nơi đây (như sông: Mã, Lam, Hoàng Mai, La, Ngàn Sâu, Nghèn...), ngày càng có nhiều phương tiện thủy trọng tải lớn tham gia vận tải, giúp đưa hàng hóa về những vùng sâu, vùng xa. Song, do địa bàn rộng, việc khai thác đường thủy ở ba địa phương trên vẫn chủ yếu dựa vào tự nhiên, mang nặng tính tự phát, dẫn đến tình trạng bến bãi bốc xếp hàng hóa mọc lên tự phát, phổ biến phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người lái không qua đào tạo... gây mất TTATGT đường thủy.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khó khăn về kinh phí nên Cục ĐTNĐ Việt Nam chưa tổ chức được cơ quan cảng vụ đường thủy quản lý để thực hiện công tác quản lý chuyên ngành về cảng, bến thủy theo Luật Giao thông ĐTNĐ.

Việc thiết lập các đại diện cảng vụ đường thủy tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh
nhằm quản lý, bảo đảm phát triển GTVT đường thủy theo Luật Giao thông ĐTNĐ

Theo ông Ngô Anh Tuân, quyền Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng, Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện công tác quản lý luồng đường thủy quốc gia tại ba địa phương trên được ủy thác cho Sở GTVT địa phương, còn cảng, bến thủy trên tuyến mới được quản lý qua khâu cấp phép hoạt động.

Một khảo sát mới đây của Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I (Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho thấy, tại Thanh Hóa có 9 tuyến đường thủy quốc gia, với tổng chiều dài 193km mới có 12 bến thủy được cấp phép hoạt động; Nghệ An có 3 tuyến, với tổng chiều dài 120km với 12 bến thủy có phép; Hà Tĩnh có 5 tuyến, với tổng chiều dài 141,5km với 27 cảng, bến thủy có phép. Cần nói thêm, theo quy định hiện hành, việc cấp phép bến thủy hoạt động thuộc thẩm quyền của Sở GTVT địa phương, còn việc quản lý hoạt động hàng ngày do lực lượng cảng vụ thực hiện. Tuy nhiên, do chưa có sự hiện diện của lực lượng cảng vụ nên đang dẫn đến “khoảng trống” về quản lý an toàn trong hoạt động cảng, bến và phương tiện tại cảng, bến.

Lập đại diện cảng vụ ĐTNĐ để quản lý cảng, bến

Nhận rõ bất cập trên, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã giao Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I xây dựng phương án triển khai đại diện cảng vụ để thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại các cảng, bến thủy trên đường thủy quốc gia tại các địa phương trên.

Ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I cho rằng, việc thiết lập đại diện cảng vụ ĐTNĐ tại ba địa phương trên là cần thiết, trực tiếp góp phần quản lý giao thông đường thủy trong khu vực và địa phương; Tuyên truyền Luật Giao thông ĐTNĐ, thúc đẩy phát triển vận tải và ngăn ngừa vi phạm, TNGT đường thủy. Cũng theo ông Dũng, mới đây đoàn khảo sát của đơn vị khi làm việc với Sở GTVT các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đều nhận được sự nhất trí, đề nghị ngành ĐTNĐ sớm triển khai phương án tổ chức hoạt động của đại diện cảng vụ ĐTNĐ khu vực I tại các địa phương để đưa hoạt động cảng, bến thủy và vận tải thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia tại địa phương vào nền nếp.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:48056
Lượt truy cập: 176.101.553