Trong thời gian vừa qua, đã xảy ra một số vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng làm tổn thất lớn về tài sản đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện thủy mang cấp VR-SB. Nguyên nhân ban đầu của các vụ tai nạn cho thấy, vùng hoạt động của phương tiện không đúng với giới hạn vùng hoạt động cho phép hoặc vượt quá giới hạn sóng gió cho phép. Đặc biệt, đối với phương tiện thủy mang cấp VR-SB khi hoạt động quá vùng giới hạn cho phép trên biển và không tuân thủ các quy định về quản lý cấp phép, xếp hàng hóa, các trang thiết bị an toàn trên tàu và số người đi trên tàu không đúng với khai báo thực tế.
Để đảm bảo an toàn hàng hải, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ thị Thủ trường các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ tăng cường công tác giám sát tàu biển, phương tiện thủy mang cấp VR-SB hoạt động trong khu vực vùng nước quản lý. Đặc biệt, chú trọng giám sát công tác xếp, dỡ hàng hóa, đảm bảo hàng hóa được xếp, chằng buộc theo đúng quy định, đúng trọng tải cho phép; thuyền viên bảo đảm theo định biên an toàn tối thiểu và có đầy đủ chứng chỉ chuyên môn; thuyền viên, hành khách đi trên phương tiện theo đúng số lượng khai báo khi làm thủ tục đi, đến và phù hợp với bố trí trang thiết bị cứu sinh của phương tiện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hàng hải, đường thủy nội địa tới các doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền viên để nâng cao ý thức về an toàn hàng hải, đường thủy nội địa. Tăng cường công tác kiểm tra các tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa, phương tiện thủy mang cấp VR-SB về trang thiết bị an toàn, công tác thực tập ứng phó các tình huống khẩn nguy của thuyền viên; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không cho phương tiện rời cảng khi có các khiếm khuyết nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn chưa được khắc phục…
Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy (Ảnh minh họa)
Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các Chi cục đăng kiểm chú trọng nâng cao chất lượng đăng kiểm tàu biển, phương tiện thủy mang cấp VR-SB và các phương tiện thủy khác để hạn chế các trưòng họp sự cố liên quan đến kỹ thuật của phương tiện trong quá trình hoạt động;Tăng cường kiểm tra việc thực thi công vụ của các đăng kiểm viên trong công tác đăng kiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật tàu biển và phương tiện thủy theo hướng nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho thuyền viên và hành khách, từng bước tiệm cận với những yêu cầu tối thiểu của Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ tàu về các quy định liên quan đến công tác an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển…
Các Chủ tàu, Công ty quản lý, khai thác tàu biển và phương tiện thủy nội địa tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; Chỉ đạo Thuyền trưởng của tàu nêu cao tinh thân trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình…
Doanh nghiệp Cảng chỉ được xếp khối lượng hàng hóa lên tàu theo đúng trọng tải của tàu biển và phương tiện thủy được phép chở; hàng hóa được xếp xuống đúng loại tàu và phương tiện thủy theo quy định; hàng hóa được xếp, chằng buộc theo đúng các quy định, hưóng dẫn về đóng gói và chằng buộc hàng hóa trước khi cho tàu rời cảng.
Các Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp Chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện; chấp thuận và quản lý chặt kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch.
Vụ Pháp chế rà soát, tổng hợp các hành vi, vi phạm mới của tàu biển và phương tiện mang cấp VR-SB vận tải nội địa, chủ cảng để bổ sung vào dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa.
Vụ An toàn giao thông chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các cơ quan, đơn vị về việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Công tác bảo đảm an toàn hàng hải và an toàn đường thủy nội địa là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trường các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.