Phát biểu khai mạc diễn tập, Phó Tổng Giám đốc VATM Đoàn Hữu Gia nhấn mạnh mục tiêu của cuộc diễn tập nhằm kiểm tra, rèn luyện, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn hàng; Xây dựng cơ chế vận hành theo tình huống, thực hành công tác tiếp nhận, xử lý thông tin cứu nạn, xác định vị trí tàu bay lâm nạn, thực hành việc xây dựng kế hoạch, phương án, thực hiện các quy trình tổ chức tìm kiếm cứu nạn; Nâng cao ý thức sẵn sàng cho toàn thể cán bộ, nhân viên, chủ động ứng phó với mọi tình huống khẩn nguy có thể xảy ra, kiểm tra khả năng ứng phó và khả năng thực hành, sử dụng các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn của các cơ quan, đơn vị và các lực lượng phối hợp, hiệp đồng, đồng thời đánh giá các trang thiết bị, phương tiện tìm kiếm cứu nạn hiện có.
Các lực lượng thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm
cứu nạn Hàng không của Tổng công ty trực tiếp tham gia diễn tập
Tình huống diễn tập được đặt ra là, chuyến bay DT2016 loại tàu bay ATR 72, cất cánh từ sân bay Nội Bài lúc 0110 (UTC) đi sân bay Điện Biên theo đường bay W4. Lúc 0135, tàu bay qua đài dẫn đường Mộc Châu (NDB MC) 20km, FL 160, tổ bay thông báo cho Trung tâm Đường dài Hà Nội (ACC/HAN): “Bị trục trặc động cơ và xin quay lại hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Nội Bài”. Sau khi quay lại, lúc 0143, cách NDB MC 30km, FL 140 tàu bay mất tín hiệu trên màn hình radar và ACC/HAN cũng không thể liên lạc được với tàu bay. Sau khi nhận được thông báo, các lực lượng triển khai diễn tập vận hành cơ chế tìm kiếm và cứu nạn tàu bay.
Tham gia diễn tập gồm có 04 lực lượng trực tiếp là: Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tổng công ty; Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không; Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn miền Bắc; Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình. Ngoài ra, cùng tham gia diễn tập lần này còn có 12 lực lượng giả định, gồm: Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không Việt Nam; Kíp trực của Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội, kiểm soát tiếp cận Nội Bài; Trung tâm Hiệp đồng TKCN miền Trung, miền Nam; Trung tâm Canh phòng thời tiết, Quản lý luồng không lưu, Trung tâm Quản lý ĐHB khu vực I, Sở Chỉ huy Quân chủng PK-KQ; Cảng vụ Hàng không miền Bắc; Công an, cảnh sát PCCC, Sở y tế Tỉnh Hòa Bình,… Thông qua cuộc diễn tập nhằm phát hiện những tồn tại trong công tác phối hợp, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành tổ chức để bổ sung, hoàn thiện các quy định, kế hoạch, phương án về công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không, bảo đảm không bị động, lúng túng khi có tình huống xảy ra, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không của Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho các tổ chức, đơn vị, người dân địa phương biết được thực tế của hoạt động tìm kiếm cứu nạn, thông qua đó nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng không nhằm thực hiện phối, kết hợp chặt chẽ mọi nguồn lực để công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng được triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Phát biểu nhận xét về cuộc diễn tập, Đại tá Lê Mạnh Tiến - Phó Cục trưởng Cục cứu nạn cứu hộ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đánh giá cao công tác chuẩn bị , tình huống đặt ra sát với thực tế; việc triển khai công tác luyện tập và bố trí các kíp trực và lực lượng địa phương hợp lý, có nhiều sáng tạo trong xử lý tình huống. Cuộc Diễn tập vận hành cơ chế tìm kiếm cứu nạn hàng không đã đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra và thành công tốt đẹp.