Công nhân đang khoan hầm Cù Mông
Cũng như Hầm đường bộ Đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, tại công trường hầm Cù Mông hàng trăm kỹ sư, chuyên gia, công nhân của 3 nhà thầu gồm Công ty cổ phần đầu tư Hải Thạch, Công ty CM Việt Nam và Công ty cầu đường Sài Gòn thi công cùng lúc với các thiết bị khá hiện đại, ngày đêm khoét núi, mở từng mét hầm ở cả hai ống hầm phía Nam và phía Bắc.
Tiến độ lao động trong những ngày cận Tết tại đây ngày càng được hâm nóng bởi đôi bàn tay của những người thợ lành nghề đến từ mọi miền đất nước trong không khí tràn ngập không khí mùa xuân.
Kỹ sư Đặng Văn Toán, Chỉ huy trưởng gói Hầm phía bắc Cù Mông vui vẻ nói: “Tết thì ở đâu cũng vậy thôi. Chúng tôi là những người lao động cũng rất háo hức đón xuân nhưng không vì những hào hứng đấy mà giảm đi tiến độ của công trình. Công việc anh em vẫn làm đều, 3 ca liên tục, không có thời gian nào để trống.”
Nhờ đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề, nhiệt huyết, kết hợp với trang thiết bị đặc chủng, công nghệ tiên tiến được người Việt Nam làm chủ nên các đơn vị thi công đã đạt kế hoạch khoan hầm đề ra.
Anh Đỗ Văn Nam, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cho biết, dự án được động thổ vào tháng 9/2015 và đến tháng 6/2016 mới bắt đầu khoan hầm. Cho đến thời điểm này, mỗi ống hầm dài 2,6 km nhưng hơn 6 tháng qua mỗi ống hầm đã khoan được 640 m.
Do địa chất phức tạp nên thời gian đầu mỗi tháng các nhà thầu chỉ khoan được 80 m nhưng sau đó đã tăng năng suất và hiện nay mỗi tháng khoan từ 100-130 m. Với tiến độ như vậy, mục tiêu đến cuối năm 2017 sẽ thông hầm kỹ thuật.
Theo anh Cao Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Hầm đường bộ Cù Mông, các thiết bị thi công hầm được Công ty cổ phần đầu tư Hải Thạch đầu tư một cách đồng bộ. Về tiến độ, các nhà thầu vẫn đang duy trì và đảm bảo theo đúng kế hoạch đã được tư vấn giám sát và chủ đầu tư phê duyệt.
Ngay từ những ngày đầu năm 2017, toàn thể anh em cán bộ công nhân viên từ nhà thầu, tư vấn giám sát và chủ đầu tư vẫn bám công trường ngày đêm nhằm đảm bảo tiến độ. Cố gắng lập những thành tích thiết thực để chào Xuân Đinh Dậu và ngày thành lập Đảng, anh Nghĩa nói.
Khác với Hầm đường bộ đèo Cả, hầm Cù Mông phức tạp hơn về kết cấu địa chất. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ rất cần thiết phải được nhà thầu cũng như các đơn vị thi công đảm bảo an toàn lao động ở mức cao nhất. Các đơn vị tư vấn giám sát cũng phát huy hết trách nhiệm, cùng với chủ đầu tư đảm bảo chất lượng công trình và an toàn trên công trường cuối năm.
Anh Đỗ Văn Linh, phó giám đốc Ban điều hành dự án Hầm Cù Mông cho biết, kết cấu địa chất của hầm Cù Mông phức tạp hơn nhiều, do đó Ban điều hành dự án luôn đề cao vấn đề an toàn trong thi công bằng những hành động cụ thể.
Dự án hầm đường bộ Cù Mông được khởi công vào cuối tháng 9/2015. Chiều dài toàn tuyến của dự án là 6,62 km, trong đó hạng mục chính là đường hầm gồm 2 ống hầm song song với nhau, mỗi ống dài 2,6 km với tổng mức đầu tư hơn 3.920 tỷ đồng từ nguồn vốn tiết giảm của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả theo Quyết định số 2907/QĐ-BGTVT ngày 12/8/2015 của Bộ Giao thông Vận tải và do Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Dự án hầm đường bộ Cù Mông được thiết kế theo tiêu chuẩn tương tự như hầm Cổ Mã và hầm Đèo Cả cũng do Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả là chủ đầu tư. Theo đó, hầm Cù Mông được thiết kế hai ống hầm song song và cách nhau 30 m, mỗi ống hầm dài 2,6 km, rộng 9,75 m.
Trong đường hầm được trang bị các hệ thống điện, hệ thống thông gió, cứu hỏa, xử lý nước thải và các thiết bị an toàn, chiếu sáng, giao thông thông minh...
Sau khi hoàn thành, hầm Cù Mông sẽ giúp cải thiện đáng kể điều kiện giao thông trên Quốc lộ 1, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội khu vực Nam Bình Định và Bắc Phú Yên cũng như các vùng phụ cận khác./.