Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành
Về việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành 03 Cục (Cục ĐTNĐ VN, Cục Đăng kiểm VN, Cục CSGT), Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá: “Sự nỗ lực của các lực lượng phối hợp đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên ĐTNĐ”. Đồng thời, hiệu quả đảm bảo TTATGT của công tác phối hợp liên ngành là rất to lớn và thiết thực.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật biểu dương Cục ĐTNĐ VN đã hoàn thành tốt vai trò là cơ quan thường trực triển khai Kế hoạch phối hợp liên ngành, đảm bảo tốt hiệu quả công tác, đảm bảo TTATGT ĐTNĐ trong năm 2016. Thứ trưởng cũng biểu dương nỗ lực của 03 Cục trong thực thi nhiệm vụ xuyên suốt hơn mười năm qua. Trong đó, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của lực lượng CSGT là quan trọng hàng đầu trong lực lượng liên ngành.
Về nhiệm vụ triển khai trong năm 2017, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị 03 Cục trưởng cùng các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp thật chặt chẽ với nhau để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành trong tuyên truyền pháp luật và kiểm tra, xử lý vi phạm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật kỳ vọng công tác phối hợp liên ngành lĩnh vực ĐTNĐ
sẽ nâng cao hiệu quả hơn nữa trong năm 2017
“Tôi biểu dương những thành tích đạt được trong năm nay. Đồng thời, tôi kỳ vọng trong năm 2017, công tác phối hợp liên ngành sẽ ngày càng bám sát với thực tế hơn, đảm bảo thật tốt TTATGT, kéo giảm TNGT. Tôi sẽ luôn bám sát Kế hoạch phối hợp liên ngành và đồng hành cùng các đồng chí để hỗ trợ tối đa nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.
Kế hoạch phối hợp liên ngành bảo đảm TTATGT ĐTNĐ năm 2017 tiếp tục được thực hiện với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên, với mục tiêu tính mạng con người là trên hết”. Theo đó, trong năm 2017, liên ngành 3 Cục sẽ tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, phức tạp về TTATGT trên các tuyến ĐTNĐ, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhất là những phương tiện kinh doanh trên tuyến đường thủy; tiến hành tổng điều tra số lượng phương tiện thủy nội địa và thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải thủy.
Đồng thời phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với những vi phạm như: vi phạm về quá mớn, quá tải đối với phương tiện thủy tại các bến cảng nội địa, vi phạm về đăng ký, đăng kiểm và an toàn kỹ thuật của phương tiện, quy định về bằng chứng chỉ chuyên môn người lái.… Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành sẽ tăng cường kiểm tra hành lang ATGT ĐTNĐ và khảo sát các vị trí nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ gây ra TNGT.
Cục ĐTNĐ VN chuyển giao vai trò thường trực liên ngành năm 2017 cho Cục Đăng kiểm VN
Xác định những vấn đề nổi cộm của ĐTNĐ
Theo Cục ĐTNĐ VN, những vấn đề nổi cộm hàng đầu của lĩnh vực giao thông thế mạnh quốc gia này là tình hình bến bãi kinh doanh hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn chưa được giải quyết triệt để dẫn đến tình trạng phương tiện chở quá vạch dấu mớn nước an toàn vẫn diễn ra phổ biến.
Bên cạnh đó, tại một số bến khách ngang sông, lưu lượng hành khách qua lại lớn, dẫn đến tình trạng chở quá số người cho phép trên phương tiện còn liên tục xảy ra. Mặt khác, tình trạng khai thác cát, sỏi và khoáng sản không đúng quy định trên ĐTNĐ còn diễn ra khá phức tạp.
Đặc biệt, vấn đề người điều khiển phương tiện chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; tình trạng phương tiện thủy hết niên hạn đăng kiểm vẫn được sử dụng. Cục ĐTNĐ VN đánh giá đây là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiều vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua.
Theo Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN Trần Văn Thọ, nhằm tăng cường các giải pháp quyết liệt đối với những sai phạm trên, mục tiêu của Kế hoạch liên ngành sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và tập trung xử lý vi phạm của các chủ phương tiện, chủ bến bãi khi tham gia giao thông. Ngoài ra, 3 Cục tiếp tục tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ và rà sát điều chỉnh hệ thống báo hiệu cho phù hợp với tình hình diễn biến luồng tuyến; khảo sát và xác định vị trí điểm đen TNGT để có phương án giải tỏa.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng khác của công tác phối hợp liên ngành là kiểm soát chặt chẽ đối với bến khách ngang sông, đăng kiểm phương tiện, điều kiện phương tiện chở khách, chấp hành khi mặc áo phao của hành khách sẽ được tập trung. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý ở các cảng, bến thủy nội địa, kiểm tra và chỉ cho phép các phương tiện đủ điều kiện an toàn mới được xuất bến.
Mặt khác, công tác đào tạo cũng phải đổi mới và tăng cường cho đủ số lượng người điều khiển phương tiện, đảm bảo người điều khiển có chứng chỉ chuyên môn, bằng phù hợp với điều kiện điều khiển phương tiện.