Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhận định, Vĩnh Phúc là một trong số ít địa phương phía Bắc có tốc độ phát triển rất nhanh về mọi phương diện. Đối với việc phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương, ngoài việc phát triển nội tại thì Vĩnh Phúc có tầm nhìn chiến lược rất tốt, đầu tư hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ và hiện đại, tạo được tính liên kết vùng cao.
Về đề xuất phát triển hạ tầng giao thông của địa phương, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, Bộ GTVT ủng hộ địa phương tìm nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông cần thiết trên địa bàn như cầu Trung Hà, cầu Đức Bác... “Các đề xuất của Vĩnh Phúc là rất cần thiết, định hướng phát triển giao thông để tạo tiền đề phát triển kinh tế, du lịch, xã hội của địa phương là rất thuyết phục, hợp lý. Tuy nhiên, khó khăn nhất là nguồn vốn, hiện nguồn kinh phí cho các dự án đầu tư trung hạn ngành GTVT rất hạn hẹp. Bộ GTVT ủng hộ Vĩnh Phúc chủ động tìm kiếm nguồn vốn để phát triển giao thông. Bộ GTVT sẵn sàng hỗ trợ, ủng hộ địa phương tính toán phương án, thủ tục, cách làm phù hợp”, Bộ trưởng nói và lưu ý, Vĩnh Phúc là cửa ngõ Thủ đô, có nhiều khu công nghiệp, có khả năng thu hút đầu tư lớn, nên có thể đầu tư giao thông theo hình thức BT, BOT, Bộ GTVT sẽ luôn ủng hộ và cùng địa phương tìm phương án tốt nhất nhằm phát triển hạ tầng giao thông vận tải.
Đồng tình với quan điểm phát triển toàn diện trong lĩnh vực GTVT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị, Vĩnh Phúc có 35 km đường sắt với 5 ga, nên cần phát huy phương thức vận tải này, nhất là để phục vụ vận tải cho các khu công nghiệp.
Về đường thuỷ, Vĩnh Phúc có 4 tuyến sông với chiều dài 123 km, trong đó sông Lô và sông Hồng dài 74 km hiện do Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam quản lý, còn sông Phó Đáy (32 km) và sông Cà Lồ (27km) hiện là tuyến sông địa phương, không thông thuyền. Địa phương cần quan tâm hơn để khai thác tốt lợi thế về đường thuỷ này.
“Tôi đánh giá cao công tác đảm bảo ATGT tại Vĩnh Phúc. Đây là địa phương có nghị quyết riêng của Tỉnh uỷ về ATGT; có tỷ lệ tử vong do TNGT thấp nhất cả nước; duy trì tốt công tác kiểm soát tải trọng xe. Tuy nhiên, vẫn mong lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm đến công tác đảm bảo ATGT, đặc biệt vấn đề xử lý nồng độ cồn, đường ngang qua đường sắt, làm gờ giảm tốc và biển cảnh báo trước lối đi dân sinh vào đường ngang… để giữ vững kết quả kéo giảm TNGT”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị.
Đoàn công tác thị sát hiện trường Dự án
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị Tỉnh cần tập trung phát triển từ hạ tầng đường sắt sẵn có, trước mắt là để đáp ứng nhu cầu vận tải tại các khu công nghiệp sản xuất ô tô, sắt thép...
“Việc san tải cho đường sắt và đường thuỷ nội địa là rất cần thiết, kéo giảm chi phí vận tải, bảo vệ kết cấu cầu đường bộ và đảm bảo TTATGT nói chung và với một địa phương như Vĩnh Phúc nói riêng”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang đã thay mặt lãnh đạo Tỉnh đề xuất với Bộ GTVT nhiều vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương.
Trả lời những kiến nghị, đề xuất này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Hoằng cho biết, về đề nghị cải tạo, nâng cấp QL2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì với quy mô 4 làn xe, hiện QL2 đoạn Nội Bài – Việt Trì đã đầu tư và khai thác theo quy mô 4 làn xe các đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên, cầu Việt Trì – TP Việt Trì. Hiện chỉ còn đoạn Vĩnh Yên – cầu Việt Trì đang khai thác với quy mô đường 2 làn xe. Do đó, để kết nối hiệu quả cầu Việt Trì và đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, Bộ GTVT đã giao Sở GTVT Vĩnh Phúc lập dự án đầu tư nâng cấp mở rộng QL2 đoạn TX Vĩnh Yên – TP Việt Trì, dài 8,5km, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Nhưng do nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 khó khăn nên chưa thể thực hiện dự án trước năm 2020.
Về đề nghị xây dựng cầu vượt giữa đường sắt Yên Viên - Lào Cai (Km 54+150) với QL2 (Km 33+200), ông Hoằng cho biết Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ - đường sắt giai đoạn 2014-2020 chỉ ưu tiên các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt trên tuyến Bắc Nam từ Hà Nội – TP. HCM, tách riêng cầu đường bộ - đường sắt. Do vậy, chưa thể bố trí kinh phí để đầu tư công trình này.
Liên quan đề nghị đầu tư cầu Trung Hà nối Vĩnh Phúc với Hà Nội, cầu Đức Bác kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, các cơ quan tham mưu của Bộ cho biết hai cây cầu này đều nằm trên tuyến đường địa phương do UBND tỉnh Vĩnh Phúc quản lý đầu tư.
Với đề xuất xây dựng nút giao IC2 giữa cao tốc Nội Bài - Lào Cai với đường Nguyễn Tất Thành và nút giao IC5 giữa cao tốc Nội Bài - Lào Cai với QL2C để khép kín đường vành đai 5 theo Quy hoạch được duyệt, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, theo thỏa thuận với địa phương, nút giao IC2 và IC5 cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2. Hiện kinh phí đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai lớn (30.100 tỷ đồng), nguồn thu phí của tuyến cao tốc theo phương án tài chính không đủ để hoàn vốn phần VEC vay lại nguồn vốn vay ADB, phải hỗ trợ từ các dự án cao tốc khác của VEC.
"Hiện VEC đang gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn nên trước mắt chưa thể đầu tư nút giao IC2 và IC5, nếu Vĩnh Phúc ứng trước, trên cơ sở phương án tài chính, VEC sẽ báo cáo Bộ GTVT và Chính phủ hoàn trả sau", ông Tuấn Anh đề xuất.
Hoài Lâm