Nhóm xây cầu từ thiện ở xã Tân Long hiện có 13 thành viên, tất cả đều xuất thân từ những nông dân chất phác.
Ông Nguyễn Văn Nhỏ (hay gọi là Sáu Nhỏ), ngụ Ấp 18 được xem là đội trưởng đội xây cầu cho biết: “Ngày trước, thành viên của đội chẳng ai biết xây cầu, ngay cả trộn hồ còn không biết, nhưng qua thời gian tham gia phụ xây cầu với một đội xây cầu từ thiện ở địa phương khác đến xã mình làm từ thiện, dần dần anh em chúng tôi cũng biết nghề”.
Cũng từ đây, những người gắn bó với “ruộng đồng - nhưng giàu lòng nhân ái” đã bắt đầu tập hợp lại thành nhóm xây dựng cầu từ thiện.
Ông Sáu Nhỏ bên chiếc cầu mà nhóm ông xây dựng nhờ sự hỗ trợ kinh phí của các nhà hảo tâm.
Theo tâm sự của ông Sáu Nhỏ, ở nơi nào có giao thông cách trở, nhiều người mong mỏi được xây dựng cầu thì đội xây cầu sẽ phối hợp với người dân nơi đó xin phép chính quyền địa phương để xây cầu. Với mỗi chiếc cầu, ông Sáu Nhỏ và thành viên của đội đều tính toán những chi tiết thiết kế cho phù hợp với địa hình, như: độ thông thuyền, chiều dài, rộng… nhằm cho ra đời những chiếc cầu qua sông mà vẫn đảm bảo không cản trở giao thông. Cứ thế, từ nguồn kinh phí của các nhà hảo tâm mà tính đến nay, nhóm của ông Sáu Nhỏ đã xây dựng được hơn 40 cây cầu trong và ngoài thị xã Ngã Năm.
Trao đổi với phóng viên, ông Sáu Nhỏ trải lòng: “Khi bắt tay thực hiện, anh em chúng tôi có lúc vẫn gặp những khó khăn, nhưng trên tinh thần “tất cả vì cộng đồng, vì xã hội” mà anh em quyết tâm thực hiện và được nhiều bà con đồng tình ủng hộ”.
Cũng theo ông Sáu Nhỏ, khi thấy bà con và các em học sinh đi lại trên những chiếc cầu có sự góp sức của mình, ai nấy cũng vui mừng. “Chỉ cần có vậy thôi, anh em chúng tôi đâu ngại cực khổ, khi vào vụ lúa, ai bận công việc thì thành viên khác thay phiên ra quân làm cầu”, ông Sáu Nhỏ bộc bạch.
Với đặc thù là vùng sông nước, nên các xã, phường trên địa bàn TX. Ngã Năm có hệ thống sông ngòi chằng chịt, đã làm cho việc lưu thông của người dân bị hạn chế. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đã làm cho bộ mặt giao thông nông thôn ngày càng thay đổi, gần đây, những chiếc cầu do nhóm từ thiện của ông Sáu Nhỏ xây dựng đã giúp rất nhiều người lưu thông được thuận tiện.
Theo chia sẻ của các thành viên, do được sinh ra và lớn lên từ vùng nông thôn, nên các thành viên hiểu rõ những khó khăn của người dân khi giao thông vùng sông nước còn hạn chế, nhiều em nhỏ đi học phải qua sông bằng ghe, xuồng với những nguy hiểm khó lường, nên với việc xây cầu từ thiện, mỗi thành viên đều dốc sức không quảng nắng mưa, cứ thế mà làm.
Ông Thái Văn Chung - thành viên nhóm xây cầu từ thiện chia sẻ: “Anh em chúng tôi đi xây cầu từ thiện quen rồi, khi tới nơi nào xây cầu, bà con ở địa phương đó cũng đều góp sức cùng chúng tôi thực hiện. Những bữa ăn đạm bạc vùng quê nhưng chứa chan cả tấm chân tình của bà con địa phương vùng sông nước”.
Qua tìm hiểu được biết, phần lớn thành viên của nhóm đã trên 50 tuổi nhưng ai nấy cũng đầy nhiệt huyết với hoạt động xây cầu từ thiện. Bởi lẽ, khi bắt tay xây cầu cũng đồng nghĩa với những háo hức, mong đợi của nhiều người dân địa phương. Ở một số vùng nông thôn sông nước, hạ tầng giao thông hiện còn khá khó khăn, cái quý có lẽ là những chiếc cầu vững chắc qua sông để người dân đi lại, em nhỏ đến trường được thuận tiện.
Bà Út, ngụ ấp Tân Trung, xã Long Bình (Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) phấn khởi cho biết: “Bà con chúng tôi ai nấy cũng phấn khởi, khi chiếc cầu bắc qua con sông được xây xong, không chỉ có người lớn đi lại thuận tiện mà mấy cháu học sinh không phải tốn thêm chi phí qua đò và lo sợ trễ giờ học khi không có đò”.
Tâm sự về những hoạt động mà nhóm đang dự định, ông Nguyễn Văn Nhỏ chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi còn trên dưới 20 lá đơn mong muốn xây cầu của bà con ở khắp mọi nơi, có cả ở tỉnh Hậu Giang nữa. Nếu nhà hảo tâm còn hỗ trợ kinh phí, chúng tôi vẫn cứ tiếp tục làm, làm hết sức mình có thể. Tôi cũng mong muốn nhóm có thêm thành viên để những cây cầu nông thôn được nhanh chóng hoàn thành, không phụ lòng của nhà hảo tâm đã hỗ trợ phần kinh phí”.
Bằng sự sẻ chia, những cây cầu nghĩa tình do nhóm xây cầu từ thiện ở xã Tân Long xây dựng đã góp phần “nối nhịp bờ vui” nơi vùng sông nước Ngã Năm. Những chiếc cầu này không chỉ có vai trò “kết nối” giao thông mà còn chứa chan cả tình nghĩa của những người đã dày công xây dựng.