Trao đổi về triển vọng hợp tác ĐTNĐ Việt Nam - Nhật Bản

Thứ hai, 15/05/2017 14:04

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam Hoàng Hồng Giang vừa có buổi tiếp và làm việc với ông Yusuke Hayashi, Bí thư Thứ nhất, Ban Kinh tế - Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Phòng: Kế hoạch Đầu tư, Quản lý KCHT và HTQT-KHCN&MT.

Tại buổi tiếp, ông Hayashi cho biết: Bộ GTVT Việt Nam và Bộ GTVT, Đất đai và Cơ sở hạ tầng Nhật Bản (MLIT) đã có những hợp tác chặt chẽ trong nhiều năm qua. Đã có những Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa hai bộ trong lĩnh vực đường bộ cao tốc, giữa các cục về hàng hải và giữa các viện nghiên cứu. Vì vậy, cá nhân ông cũng như Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam rất ủng hộ và mong muốn triển khai hợp tác với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

"Nhật Bản là một quốc gia có đặc điểm địa lý không tương đồng với Việt Nam, khác với hệ thống sông ngòi được thiên nhiên ưu đãi, thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa và hàng khách với mật độ lớn ở Việt Nam, các sông của Nhật Bản thường ngắn và có độ dốc lớn, khó sử dụng cho mục đích vận tải. Tuy nhiên, Nhật Bản lại là quốc gia có đội tàu vận tải nhỏ, hệ thống các cảng cửa sông, các tuyến vận tải ven biển rất phát triển, đặc biệt tại khu vực Vịnh Tokyo" - ông Hayashi nhấn mạnh. Với thế mạnh của mình, Nhật Bản có thể trợ giúp cho Việt Nam để phát triển vận tải thủy ven biển cũng như vận tải từ các cảng biển vào các cảng sông.

Cục trưởng Hoàng Hồng Giang tiếp và làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

Sau khi giới thiệu về chức năng nhiệm vụ của Cục ĐTNĐ Việt Nam và tổng quan lĩnh vực đường thủy nội địa hiện nay, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang phát biểu:  Hệ thống giao thông thủy nội địa Việt Nam từ nhiều năm qua, mặc dù chưa được chú trọng đầu tư lớn, hầu hết các tuyến vận tải đã và đang vận hành trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên, nhưng vận tải thủy chiếm tới 18% thị phần tải hàng hóa trong nước và đứng thứ 2 trong số các mô hình vận tải nội địa. Bên cạnh đó, theo chiến lược phát triển ngành đã được phê duyệt, mục tiêu của vận tải thủy đến năm 2020 sẽ tăng trưởng lên 32,4% thị phần để có thể triệt để khai thác tiềm năng hệ thống giao thông thủy nội địa ở Việt Nam, với nhiều lợi thế như giá cạnh tranh, vận chuyển được khối lượng hàng hóa lớn, giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống đường bộ và góp phần bảo vệ môi trường.

Cục trưởng cảm ơn sự quan tâm và hợp tác của Bộ MLIT với Bộ GTVT Việt Nam trong những năm qua và cá nhân ông Hayashi đối với khả năng hợp tác cụ thể trong lĩnh vực đường thủy nội địa. "Là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy nội địa, trong thời gian tới chúng tôi chú trọng phát triển các tuyến vận tải ven biển và vận tải từ các cảng nước sâu như Lạch Huyện ở phía Bắc với hệ thống cảng nội địa tại khu vực Hà Nội và Bắc Ninh. Phía Nam tiếp tục phát triển và mở rộng các loại hàng hóa chuyên chở gồm các tàu container hàng đông lạnh. Tiếp tục và phát huy các tuyến vận tải quá cảnh với Campuchia để có thể kết nối toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia thành một vùng thông thương thuận lợi góp phần thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu", Cục trưởng khẳng định.

Đối với việc đầu tư xây dựng hạ tầng và áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý khai thác các cảng sông, Cục trưởng cho biết, Việt Nam mong muốn nhận được đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, khuyến khích theo mô hình PPP để có thể sớm hoàn thiện hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải thủy.

Kết thúc buổi làm việc, với sự ủng hộ thống nhất của ông Hayashi, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, một lần nữa khẳng định mong muốn sớm triển khai hợp tác với Nhật Bản: "Đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản là đầu mối liên lạc hỗ trợ xúc tiến hợp tác với Cục Hải cảng (Ports and Harbours Bureau) của MLIT để cán bộ hai Cục có thể trực tiếp trao đổi và học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm quản lý nhà nước, chỉnh trị dòng, an toàn an ninh cũng như giúp đỡ để Việt Nam có được hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, hành lang pháp lý hoàn thiện; Giới thiệu các công ty vận tải ven biển của Nhật Bản tham gia phát triển thị trường tiềm năng ở Việt Nam; và Đề xuất với Chính phủ Nhật Bản, JICA xem xét các hỗ trợ hạ tầng thủy nội địa như việc đầu tư xây dựng nâng cấp các cảng bến thủy nội địa…"

Nguồn: Cục ĐTNĐ Việt Nam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:126177
Lượt truy cập: 176.714.671

 

EMC Đã kết nối EMC