“Thông minh hóa” quản lý cảng Cái Mép – Thị Vải

Thứ hai, 29/05/2017 07:56

Để trở thành một trung tâm logistics tầm cỡ khu vực, hệ thống cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép cần một hạ tầng liên cảng có thể kết nối với các vùng kinh tế lân cận.

Số lượt tàu tải trọng trên 80.000 tấn vào Cái Mép - Thị Vải tăng nhanh trong 2 năm gần đây

Những con số biết nói

Tính đến tháng 5/2017, hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải đã đón tàu của các hãng lớn như Maersk, MSC, CSCL, ZIM, NYK, MOL, UASC, K’LINE. Đáng chú ý là, Hãng Yangming đã đưa tàu tải trọng trên 100.000 tấn về Cụm cảng làm hàng trung chuyển quốc tế thay thế các cảng ở Hồng Kông, Singapore, Thái Lan như trước đây.

Tạp chí hàng hải Alphaliner xếp hạng cụm cảng Cái Mép có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2016, với 35,3%.

Quý I/2017, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng tại Cái Mép – Thị Vải dự kiến tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, riêng Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đạt mức tăng trưởng 15,4% trong 3 tháng đầu năm.

Theo báo cáo của Sở GTVT Bà Rịa -Vũng Tàu, số lượt tàu tải trọng trên 80.000 tấn vào Cái Mép – Thị Vải tăng nhanh trong 2 năm gần đây. Theo đó, năm 2015, Hệ thống cảng đón 674 lượt tàu, năm 2016 đón 1.144 tàu và chỉ trong quý I/2017, Hệ thống đón 296 lượt tàu, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2016. Hàng tuần, tại Cái Mép có 10 tuyến tàu mẹ với tải trọng từ 100.000 tấn trở lên đi Mỹ.

Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó tổng giám đốc CMIT, hầu hết hàng xuất khẩu đi Mỹ và một phần lớn hàng xuất khẩu châu Âu từ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều xuất phát từ Cái Mép – Thị Vải.

Sự kiện tàu Yang Ming Wellhead 160.000 tấn cập cảng Tân Cảng – Cái Mép an toàn vào ngày 10/4 đã một lần nữa khẳng định năng lực của hệ thống cảng nơi đây, có thể sánh cùng các hệ thống cảng nước sâu khác trên thế giới.

Hối thúc hạ tầng liên cảng phát triển đồng bộ

Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho Cái Mép – Thị Vải không chỉ là “cảng cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, mà còn phát triển thành “trung tâm trung chuyển của khu vực”. Theo ông Kỳ, để đạt được điều này cần phát triển đồng bộ cả chính sách và kết cấu hạ tầng.

Các cảng tại Cái Mép – Thị Vải như CMIT, Tân Cảng Sài Gòn… được đầu tư hiện đại và năng suất xếp dỡ có thể sánh ngang với các cảng lớn khác trong khu vực, thế nhưng, hạ tầng kết nối với cảng còn nhiều hạn chế, hàng hoá từ các tiểu vùng khu kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn chủ yếu tập kết tại TP.HCM và được chuyển về Cái Mép bằng sà lan và ngược lại. Đặc điểm của các cảng tại Cái Mép là chỉ có 600 m cầu cảng, khi 90% hàng hoá vẫn được xếp dỡ bằng sà lan tại cảng đã hạn chế tính linh động của cầu bến cho các tàu mẹ và tăng chi phí khai thác khi các cảng phải sử dụng trang thiết bị và nhân công như làm hàng cho tàu mẹ để xếp dỡ cho sà lan.

Ông Kỳ cho rằng, Cái Mép – Thị Vải hiện vẫn chỉ đơn thuần là hệ thống cảng biển nước sâu xếp dỡ hàng hoá, chứ chưa phát triển được một “hệ sinh thái” của cảng. Các khu logistics trong tỉnh vẫn chưa được đầu tư phát triển kịp thời, cụ thể là các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải, kho bãi, lưu giữ hàng hoá hay cao cấp hơn là dịch vụ logistics 3PL.

Sau khi luồng vào cảng được duy tu nạo vét đạt mức -14 m, các tàu trọng tải 160.000 DWT/15.000TEU đã có thể cập hàng tuần tại Cái Mép. Tuy nhiên, khi mà đa phần tàu khai thác tuyến Á – Âu là loại  20.000 TEU, luồng vào cảng cần được nạo vét đến -15,5 m.

Cải tiến thủ tục và số hóa hệ thống quản lý

Lượng hàng qua CMIT nói riêng và Cái Mép – Thị Vải nói chung tăng trưởng nổi bật trong khoảng 2 năm vừa qua. Điều này cho thấy sự phối hợp rất tốt giữa doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu và các cơ quan chức năng như hải quan, cảng vụ… Tuy nhiên, cần có chính sách hỗ trợ hơn nữa để tăng tính hấp dẫn của Cái Mép và tăng nguồn hàng trực tiếp tại cảng. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng, cần hình thành đơn vị quản lý cảng chuyên biệt để xử lý khối lượng thủ tục ngày càng nhiều khi số lượng tàu và hàng cập cảng tăng lên nhanh chóng.

Về thủ tục hải quan, hiện nay, các cảng đang phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan tỉnh để triển khai dự án hải quan điện tử. Khi dự án này hoàn thành, thủ tục thông quan sẽ được thực hiện nhanh chóng, minh bạch tạo nên cấu phần cốt lõi của một đơn vị quản lý cảng thông minh.

Đơn vị quản lý cảng không chỉ là đầu mối giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục, mà còn phải đảm nhận chức năng điều phối các bến cảng trong khu vực, tạo sự thống nhất và giá trị chung của cả hệ thống. Hơn thế, sự điều phối thông minh sẽ giải quyết được bất cập hiện nay là hàng về nhiều tại bến có cầu cảng chiều dài hạn chế, trong khi những cảng khác lại không có hàng.

Tất cả sự điều phối, xử lý, điều hành của đơn vị quản lý cảng thông minh sẽ được thực hiện đồng bộ trên nền một phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch, nhanh chóng và tiện lợi.

Nguồn: Báo Đầu Tư

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:100041
Lượt truy cập: 176.230.061