Bộ GTVT giải quyết kiến nghị của ông Phạm Hồng Minh

Thứ tư, 14/06/2017 14:25
Ngày 9/6, Bộ GTVT có Văn bản số 6189/BGTVT-VT gửi Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của ông Phạm Hồng Minh.

Theo văn bản, Bộ GTVT nhận được Văn bản số 5329/VPCP-KSTT ngày 24/5/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý phản ánh, kiến nghị của ông Phạm Hồng Minh. Trong đó phản ánh, kiến nghị về bất cập trong quy định hành chính và phản ánh về thu phí sai quy định.

Bộ GTVT xin thông tin đến Văn phòng Chính phủ kết quả giải quyết, xử lý kiến nghị của ông Phạm Hồng Minh, như sau:

Ngày 30/5/2017, Bộ GTVT đã có Văn bản số 5740/BGTVT-VT đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Đồng Nai giải quyết kiến nghị, trả lời ông Phạm Hồng Minh; báo cáo kết quả bằng văn bản về Bộ GTVT trước ngày 06/6/2017 để tổng hợp báo cáo Văn phòng Chính phủ theo đúng thời hạn yên cầu tại Văn bản số 5329/VPCP-KSTT. Kết quả cụ thể như sau:

Đối với nội dung giải quyết của Bộ GTVT, ngày 19/4/2017, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 4195/TTr-BGTVT trình Chính phủ và gửi kèm theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các báo cáo liên quan.

Vấn đề này, ngay sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 được Chính phủ ban hành; Bộ GTVT sẽ giao Tổng cục ĐBVN nghiên cứu nội dung thay thế mẫu phù hiệu và chất liệu để tránh việc phù hiệu bị phai chữ không đọc được do thời tiết hoặc điều kiện khách quan khác.

Đối với nội dung liên quan đến “Lái xe phải có lệnh vận chuyển, hợp đồng vận chuyển”, theo quy định khoản 6 Điều 53 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động vận tải đường bộ thì lái xe khi tham gia vận tải hàng hàng hóa trên đường ngoài việc mang các giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật còn phải mang theo Giấy vận tải để thuận lợi cho công tác quản lý lái xe, hàng hóa của các đơn vị vận tải và cơ quan quản lý nhà nước, cũng như thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trên đường (Cảnh sát giao thông, Thanh tra…). Vì vậy, việc đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải có “Giấy vận tải” và yêu cầu lái xe phải mang theo khi đi trên đường là thực sự cần thiết.

Đối với nội dung “phù hiệu này thể hiện một tư duy quản lý yếu kém, hành doanh nghiệp, liệu có phải là một quy định xuất phát từ lợi ích nhóm không”, Bộ GTVT cho biết theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ  và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vận tải đường bộ, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô bao gồm 02 hình thức (kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp), trong đó quy định rõ các loại hình kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, các quy định về vận tải người nội bộ và để quản lý mỗi loại hình kinh doanh này cần phải có các loại phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện. Vì vậy, việc cấp, quản lý và sử dụng phù hiệu cho từng loại phương tiện là thực sự cần thiết; ngoài ra, đây là một trong những công cụ hữu ích để các lực lượng chức năng (Cảnh sát giao thông, Thanh tra…) phân biệt và xử lý vi phạm (nếu có) đối với các loại phương tiện này khi tham gia lưu thông trên đường.

Ngay sau khi nhận được Văn bản số 5740/BGTVT-VT của Bộ GTVT, Sở GTVT Đồng Nai đã khẩn trương giải quyết kiến nghị nêu trên và có Công văn số 3258/SGTVT-QLVTPT ngày 06/6/2017 báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị của ông Phạm Hồng Minh.

Bộ Giao thông vận tải trân trọng thông tin đến Văn phòng Chính phủ.

Toàn văn Văn bản xin vui lòng xem Tại đây!

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:214128
Lượt truy cập: 176.188.189