Theo đó, thời gian qua, công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên trì và đạt được kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong ngành GTVT, những năm qua công tác phòng, chống ma túy đã đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tại một số đơn vị trong ngành công tác phòng, chống ma túy chưa được quan tâm đúng mức, nguyên nhân là do nhận thức, quan điểm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền về phòng chống ma túy chưa đầy đủ; trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chậm đổi mới; công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả mong muốn...
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Để tăng cường công tác phòng, chống ma túy trong ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, đồng thời triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp (Quyết định số 2840/QĐ-BGTVT ngày 12/12/2011 của Bộ Bộ Giao thông vận tải). Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống và cai nghiện ma túy trình Thủ trưởng đơn vị phê duyệt.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tệ nạn ma túy: Tập trung tuyên truyền, phổ biến đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT về tác hại, hậu quả tệ nạn ma tuý, đặc biệt là ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới; Chú trọng tuyên truyền thèo chủ đề: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đặng và Nhà nươc về phòng, chống và cai nghiện ma túy; Công tác cai nghiện như điều trị thay thế các chất dang thuốc phiện bằng Methadone; Tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao: Lái xe, thuyền viên, học sinh sinh viên tại các cơ sở đào tạo, người lao động vùng sâu vùng xa và tại các công trình trọng điểm của ngành.
Đổi mới phương pháp tuyên truyền phòng, chống ma túy theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng loại đối tượng; Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống ma túy với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao và đăng tải trên báo ngành, trên các phương tiện giao thông để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng, chống ma tuý trong toàn ngành.
Thứ ba, các đơn vị kinh doanh vận tải cần tăng cường công tác khám, quản lý sức khỏe người lái xe theo đúng quy định; Tổ chức kiểm tra, giám sát xét nghiệm phát hiện sử dụng ma túy (đặc biệt là ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới, ma túy đá, thuốc lắc, cần sa ...); Lập hồ sơ theo dõi nhằm quản lý chặt chẽ tình trạng sức khỏe của người lái xe.
Thứ tư, giao cho Cục Y tế GTỴT là cơ quan thường trực có trách nhiệm tập huấn, đào tạo công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy; Theo dõi, kiểm tra và tổng hợp báo cáo các hoạt động phòng, chống ma túy trong toàn ngành.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên./.