Nâng cao vai trò cấp ủy trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt

Thứ năm, 13/07/2017 07:56

Tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong thời gian gần đây gây tổn thất lớn về người và tài sản. Đảng ủy Tổng công ty Đường sắt đã chỉ đạo tăng cường các giải pháp, nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông đường sắt (GTĐS). Tuy nhiên, để nhiệm vụ này đạt hiệu quả cao, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, nơi có tuyến đường sắt đi qua.

Công nhân đường sắt khắc phục sự cố cầu Ghềnh (Đồng Nai), bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu.


Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng công ty (TCT) Đường sắt Lương Văn Nghĩa cho biết, trước tình trạng gia tăng số vụ tai nạn GTĐS có tính chất nghiêm trọng, ngoài các giải pháp chỉ đạo thường xuyên, mới đây Đảng ủy TCT đã gửi công điện yêu cầu các cấp ủy trực thuộc huy động các tổ chức đoàn thể trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm túc Chỉ thị về việc bảo đảm trật tự an toàn GTĐS. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị và các đoàn thể chịu trách nhiệm cao nhất trong triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, cũng như xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong phạm vi mình phụ trách nếu xảy ra sai phạm. Tại các đơn vị trực tiếp tham gia công tác phục vụ vận tải và bảo đảm an toàn GTĐS, cấp ủy cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ hơn; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp ngăn chặn tai nạn đường sắt tại các điểm giao cắt đường dân sinh, đồng thời tuyên truyền cho người dân ý thức tự giác chấp hành khi tham gia giao thông, nhất là tại các điểm giao cắt. Các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên ngành mở rộng hoạt động tình nguyện tham gia trực, chốt cảnh giới bảo đảm an toàn tại các đường ngang dân sinh…

Theo TCT Đường sắt Việt Nam, hiện nay trên toàn mạng lưới quốc gia có 5.793 vị trí giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt. Trong đó, đường ngang dân sinh (lối đi không có phòng vệ, không có giấy phép mở) là 4.305 điểm, chiếm 74% trong toàn bộ điểm giao cắt; bình quân 1 km đường sắt có 1,85 lối giao cắt đường sắt. Tình trạng đường ngang tự phát mở trái phép băng qua đường sắt, lấn chiếm vi phạm hành lang tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Với phương châm kinh doanh “An toàn - thuận tiện - thân thiện - đúng giờ - hiệu quả”, Đảng ủy TCT phối hợp cấp ủy các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo đảm trật tự an toàn GTĐS cho cán bộ, nhân viên ngành đường sắt, nhất là người dân sinh sống dọc theo đường sắt, người tham gia giao thông qua đường sắt…; tổ chức các lớp học về pháp luật giao thông vận tải đường sắt; nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan đơn vị liên quan.

Nhiều năm gần đây, Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy Tổng công ty luôn xác định, bảo đảm an toàn GTĐS là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và xuyên suốt. Theo đó, các cấp ủy trực thuộc đã cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, cơ bản giảm cả ba tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương theo từng năm. Tuy nhiên vẫn xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Khắc phục tình trạng đó, nhiệm kỳ này, Đảng ủy đề ra mục tiêu tiếp tục kiềm chế và giảm dần tai nạn GTĐS cả ba tiêu chí; phấn đấu không để xảy ra tai nạn chạy tàu đặc biệt nghiêm trọng do chủ quan; kiềm chế và giảm tai nạn do khách quan; triển khai hiệu quả các quy chế phối hợp với địa phương nhằm bảo đảm an toàn GTĐS.

Đồng Nai là địa bàn có nhiều cụm dân cư, khu công nghiệp phát triển dọc theo tuyến đường sắt bắc - nam có chiều dài gần 90 km. Bất cập nảy sinh từ việc người dân tự ý mở các đường ngang trái phép băng qua đường sắt, lấn chiếm hành lang an toàn GTĐS. Tính đến nay, Đồng Nai có hơn 120 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Năm 2016, tuy có giảm nhưng vẫn có 16 vụ tai nạn đường sắt xảy ra, làm chết sáu người và tám người bị thương. Thực hiện công tác phối hợp bảo đảm an toàn GTĐS, cấp ủy các cấp tại những địa bàn đường sắt đi qua như các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom và TP Biên Hòa đã chỉ đạo công tác phối hợp cảnh giới an toàn tại hầu hết các lối đi dân sinh nguy hiểm; giải tỏa tầm nhìn tại tất cả 12 đường ngang, bổ sung biển báo; rào thu hẹp 35 vị trí, xóa 17 lối đi dân sinh nguy hiểm... Đối với các địa phương như thị xã Biên Hòa, các huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất, Trảng Bom cần sự vào cuộc quyết liệt của cả cấp ủy, chính quyền và đơn vị chức năng từ xã đến huyện thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp, đúng tiến độ các phần việc thuộc trách nhiệm đã phân công.

Thực trạng mất an toàn giao thông những năm gần đây cho thấy, tai nạn tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt chiếm khoảng 85% trong tổng số các vụ tai nạn GTĐS. Để từng bước khắc phục vấn đề này cần sự chủ động vào cuộc của các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự thay đổi mạnh mẽ từ trong nhận thức của mỗi người dân khi tham gia giao thông.
 

Nguồn: Báo Nhân Dân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:39040
Lượt truy cập: 176.214.539