Hà Nội tập trung cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ năm, 05/03/2009 14:12
Tại hội nghị của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh tổ chức hôm 3/3 Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho rằng: Chính Phủ đã đưa ra nhiều chương trình, giải pháp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp cần cơ cấu lại đầu tư, sản xuất có hiệu quả, địa phương chủ động cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh tổ chức hôm nay (3/3) Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho rằng: Chính Phủ đã đưa ra nhiều chương trình, giải pháp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp cần cơ cấu lại đầu tư, sản xuất có hiệu quả, địa phương chủ động cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.  

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 4,4%, tăng 8,56% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ tăng 20,2% so với cùng kỳ giảm 6%; xuất khẩu giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.

Tại hội nghị, nhiều vấn đề khó khăn như  thuế, hỗ trợ lãi suất, xúc tiến thương mại được các doanh nghiệp đưa ra .

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ  thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam cho biết, việc quy định cấm xe ô tô trên 20 chỗ vào Hà Nội lúc giờ cao điểm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các công ty du lịch. Trong khi ngành Du lịch khuyến khích các doanh nghiệp  giảm giá 20-50% để kéo khách nước ngoài vào Việt Nam thì một quy định như trên có thể gây lãng phí và phiền hà cho doanh nghiệp, hiện tại một số doanh nghiệp du lịch phải đổ khách ở cửa ngõ thủ đô và xé lẻ đoàn vận chuyển bằng taxi đưa hành khách vào nội thành. Điều này gây xáo trộn tâm lý cả du khách và hoạt động của doanh nghiệp.

Một khó  khăn nữa các công ty đang gặp phải, đó là cách tính thời điểm giờ cao điểm của ngành điện. Với cách tính mới mà ngành dịch vụ khách sạn đang áp dụng từ 18h đến 24 giờ giá điện cao gấp 3,4 lần giờ bình thường khiến chi phí giá thành của dịch vụ du lịch  tăng cao bởi  giờ này lại chính là giờ hoạt động cao độ của khách sạn. Theo ông Thành, việc tăng giá điện là đúng, nhưng trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực đưa ra các chương trình hấp dẫn kéo khách du lịch quay trở lại thì giá điện cho khối khách sạn áp dụng cần ưu đãi hơn.

Về gói hỗ trợ lãi suất 4%, ông Thành kiến nghị: khối công nghiệp khai thác khoáng sản cũng cần được điều chỉnh hưởng ưu đãi này, bởi hiện nay ngành than đang tồn đọng 8 triệu tấn than, giá bán than xuất khẩu giảm 50%, lượng than tiêu thụ cũng giảm 30%, than bán trong nước cũng đang thấp hơn giá thành, việc được hưởng lãi suất hỗ trợ 4% sẽ giúp các doanh nghiệp kích cầu đầu tư phát triển các dự án đón đầu khi kinh tế hồi phục.

Liên quan tới thuế, đại diện Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội kiến nghị cần ưu đãi cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao đông nữ, bởi doanh nghiệp có nhiều lao động nữ thường thiệt thòi do thời gian nữ công nhân nghỉ sinh con cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp

Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội  Vũ Thành Sơn lạc quan trong khó khăn. Bởi theo ông, mặc dù khó khăn kinh tế thế giới ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng khó khăn tác động không nhiều tới dòng sản phẩm liên quan tới cuộc sống hàng ngày như nông, hải sản, vì vậy theo ông nếu các doanh nghiệp biết khai thác  lĩnh vực này  thì vẫn có nhiều cơ hội tốt. Một số thị trường các doanh nghiệp Việt Nam có thể hướng tới bao gồm: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Tây Á, một số nước thuộc khối SNG, Nam Âu.

Ông Sơn cũng cho biết: Thời gian qua TP. Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc đặt một số văn phòng đại diện tại các nước hỗ trợ doanh nghiệp, để hoạt động này có hiệu quả cao hơn theo ông thành phố nên có thêm các văn phòng tại Bắc Phi và Nam Phi, từ hai thị trường này sẽ giúp các doanh nghiệp vươn ra các nước châu Phi khác.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại.

Thành phố đã lập Trung tâm xúc tiến thương mại tại Tokyo, Dubai, Matxcơva. Hiện thành phố xây dựng chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm đến năm 2010 với định hướng quan trọng là hỗ trợ doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá hình ảnh sản phẩm. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, năm nay Chính phủ đẩy mạnh xúc tiến thương mại không khống chế hạn mức và giao Bộ trưởng Bộ Công Thương xây dựng trên cơ sở các đề án mang lại hiệu quả. 

Riêng Hà Nội, Quỹ khuyến công Trung ương sẽ rót thêm kinh phí nhằm khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đổi mới công nghệ... Thứ trưởng yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội xây dựng chương trình gửi Cục Công nghiệp Địa phương để sớm giải quyết. 

Theo Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng: Trong thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp cùng các ngành tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư. Với chỉ số hiện nay 31/64 của Hà Nội và 56/64 của Hà Tây, thì thời gian tới Hà Nội phải nỗ lực lớn vào cải cánh thủ tục hành chính, coi đây là yếu tố quyết định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:59062
Lượt truy cập: 176.700.994