Sau hợp nhất, các PMU giao thông hoạt động ra sao?

Thứ ba, 19/09/2017 15:12

Các Ban Quản lý dự án (QLDA) được sắp xếp lại trên tinh thần tinh gọn các đầu mối nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu.

Đường vành đai 3 trên cao do Ban QLDA Thăng Long là chủ đầu tư, những năm qua
tạo điểm nhấn quan trọng đối với hạ tầng giao thông Hà Nội,
góp phần giải quyết ùn tắc giao thông phía Tây Thủ đô

Được ví như những cánh tay nối dài của Bộ GTVT trong công tác quản lý đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, từ cuối tháng 5/2017, nhiều Ban QLDA (PMU) giao thông đã được cơ quan chủ quản tổ chức, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, giảm bớt đầu mối... 

Tăng năng lực, tránh chồng chéo

Cuối tháng 5/2017, sau khi tiến hành hợp nhất giữa PMU 1 và PMU Thăng Long, Ban QLDA Thăng Long trở thành đơn vị có lực lượng lao động dồi dào và đông đảo nhất trong số các PMU trực thuộc Bộ GTVT với hơn 270 người và 18 phòng, ban chuyên môn. Đến nay, sau gần 4 tháng hoạt động theo mô hình mới, các hoạt động của PMU Thăng Long dần ổn định và bắt đầu phát huy hiệu quả, thể hiện chủ trương tổ chức, sắp xếp lại các PMU của Bộ GTVT là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, ngay khi thực hiện Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, PMU Thăng Long đã tiến hành tổ chức, sắp xếp lại bộ máy chính quyền, tổ chức đoàn thể và bắt tay ngay vào công việc. “Trước đây, PMU1 và PMU Thăng Long đều là những ban có nhiều kinh nghiệm và năng lực trong việc quản lý các dự án đầu tư hạ tầng giao thông sử dụng nguồn vốn ODA. Mỗi ban có một thế mạnh riêng, quan điểm của chúng tôi là phát huy sức mạnh của cả hai ban để thực hiện tốt nhiệm vụ công việc được giao. Đến nay, sau khi tiến hành hợp nhất, năng lực của PMU Thăng Long được tăng lên nhiều”, ông Roãn nói.

Tư tưởng cán bộ đều ổn định và đoàn kết

Ông Lê Huy Thăng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết, sau khi Ban QLDA đường thủy trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN được sáp nhập vào, đơn vị tăng thêm 21 biên chế và tổng số nhân sự hiện nay là hơn 120 người. Từ trước khi sáp nhập, số lượng dự án do ban quản lý khá ít, vì vậy, cũng phát sinh khó khăn là quỹ lương phải tăng mức chi trả. Trong bối cảnh này, đơn vị vừa ổn định tư tưởng, tâm lý cho cán bộ, công nhân viên và đồng thời sắp xếp lại bộ máy, đầu mối để phù hợp, hiệu quả hơn. “Trước đây, ban có nhiều dự án nên bố trí 6 phòng quản lý dự án, nay sắp xếp lại, thu gọn còn 3 phòng để phù hợp với nhu cầu thực tế. Đến nay, tâm lý tư tưởng của cán bộ, công nhân viên sau khi sáp nhập đều ổn định, đoàn kết”, ông Thăng nói.

Cũng theo ông Roãn, về mặt tổ chức, PMU Thăng Long đã tiến hành sắp xếp, tinh gọn 18 phòng, ban trước khi sáp nhập còn 10 phòng, ban trên cơ sở vẫn đảm bảo yêu cầu công việc. “Lúc đầu, nhiều anh em còn tâm tư, nhưng lãnh đạo Ban đã đưa ra chủ trương, trước đây ai theo dõi dự án nào vẫn tiếp tục công việc của dự án đó. Đến nay, mọi thứ đã đi vào ổn định”, ông Roãn chia sẻ.

Theo phương án sắp xếp của Bộ GTVT, PMU Thăng Long được giao quản lý các dự án thuộc khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. “Việc tổ chức các PMU theo khu vực sẽ tiết kiệm thời gian đi lại, tăng hiệu quả quản lý dự án và tránh chồng chéo về công việc giữa các đơn vị với nhau. Đây là chủ trương cần thiết và đúng đắn của Bộ GTVT”, ông Roãn nói và cho biết thêm, về nguồn công việc, hiện nay, PMU Thăng Long đang chuẩn bị triển khai nhiều dự án mới như: Dự án xây dựng đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu Thịnh Long, dự án QL217 giai đoạn 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ,…

“Để tăng thêm nguồn thu, ngoài công việc chính là quản lý dự án theo phân công của Bộ GTVT, chúng tôi còn triển khai thêm công tác thẩm tra dự toán công trình và quản lý các dự án ngoài ngành. Tuy nhiên, mô hình tổ chức ra sao sẽ phải xin ý kiến của Bộ GTVT”, ông Roãn nói. 

Hình thành trên cơ sở hợp nhất giữa Ban QLDA ATGT và Ban QLDA 2, với địa bàn được phân chia tại khu vực phía Nam Hà Nội và Bắc Trung bộ, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban QLDA 2 cũng khẳng định, chủ trương sắp xếp, tổ chức các PMU của Bộ GTVT theo khu vực, vùng miền là đúng đắn nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý dự án, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại của các ban QLDA. “Khó khăn khi thực hiện chủ trương này là việc ổn định công tác tổ chức lúc đầu khi lực lượng lao động của hai ban gộp lại lên tới hơn 220 người. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT, chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã ổn định tổ chức bộ máy chính quyền, Đảng, đoàn thể và hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn 17 phòng, ban thành 10 phòng, ban chuyên môn”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn,  các dự án đang được PMU 2 chuẩn bị triển khai trong thời gian tới gồm: Đường nối Lai Châu, Lào Cai với cao tốc Nội Bài - Lào Cai bằng vốn vay ADB, dự án xây dựng cầu yếu trên các tuyến quốc lộ sử dụng vốn EDCF (Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc), dự án mở rộng QL19 bằng nguồn vốn của WB, dự án xây dựng cao tốc TP Hồ Chí Minh đi Mộc Bài (Tây Ninh),… vẫn tiếp tục được Bộ GTVT giao triển khai. Bên cạnh đó, để tạo thêm nguồn công việc, PMU2 còn làm tư vấn QLDA cho các dự án BT của Tập đoàn Vingroup và dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên do Ban QLDA 2 làm đại diện chủ đầu tư

Giảm bớt đầu mối

Trao đổi với Báo Giao thông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trước khi sắp xếp lại, Bộ GTVT có 11 ban QLDA trực thuộc, 4 ban QLDA thuộc Tổng cục Đường bộ VN, một ban QLDA thuộc Cục Hàng hải VN và một ban QLDA thuộc Cục Đường thủy nội địa VN. “Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách hành chính, Bộ GTVT đã tiến hành sắp xếp lại các cơ quan trực thuộc Bộ. Ngoài các đơn vị sự nghiệp, Bộ GTVT tiến hành sắp xếp lại các ban QLDA trên tinh thần tinh gọn các đầu mối nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu”, ông Trường nói và cho biết, việc sắp xếp các ban QLDA phải đảm bảo nguyên tắc: Tránh việc chồng chéo trong công tác chỉ đạo giữa các ban QLDA; mỗi chuyên ngành đều có ban QLDA chuyên ngành để đáp ứng tính chuyên môn cao; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tăng hiệu quả quản lý của các ban QLDA,…

Trên cơ sở đó, ngày 21/4/2017, Bộ GTVT ban hành Quyết định 1183 về việc phê duyệt đề án tổ chức, sắp xếp lại các ban QLDA thuộc Bộ GTVT. Theo đó, các lĩnh vực chuyên ngành: Đường sắt, đường thủy, hàng hải đều có các ban QLDA chuyên ngành trực thuộc Bộ GTVT. Riêng lĩnh vực đường bộ, do khối lượng công việc rất lớn nên được Bộ GTVT chia thành 3 khu vực: Bắc - Trung - Nam. Cụ thể, khu vực phía Bắc, ngoài Ban QLDA đường Hồ Chí Minh là ban chuyên ngành thực hiện quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT tiến hành hợp nhất PMU 1 và PMU Thăng Long thành PMU Thăng Long, hợp nhất PMU 2 và PMU ATGT thành PMU 2 và giữ nguyên PMU 6. Khu vực miền Trung là PMU 85 và khu vực phía Nam là PMU 7.

“Đối với các ban QLDA đường bộ trực thuộc Tổng cục Đường bộ VN, do tính chất đặc thù chủ yếu làm duy tu, bảo trì, bảo dưỡng nên được giữ nguyên trạng theo khu vực, gồm 4 ban ở 4 vùng”, ông Trường nói và cho biết, sau khi tiến hành tổ chức, sắp xếp lại, Bộ GTVT còn 13 ban QLDA chuyên ngành so với 17 trước đó.

“Kể từ khi thực hiện đề án tổ chức, sắp xếp lại các ban QLDA, việc phân chia địa bàn quản lý của các ban QLDA sẽ theo khu vực rõ ràng. Tuy nhiên, đối với các dự án cũ nằm ngoài phạm vi khu vực quản lý đã được các Ban QLDA chuẩn bị đầu tư từ trước, vẫn tiếp tục triển khai, bởi đây là tồn tại phải chấp nhận trong quá trình quá độ thực hiện đề án này”, ông Trường chia sẻ.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:97936
Lượt truy cập: 176.229.578