Mặc dù nhà ga, đoàn tàu là địa bàn nguy cơ cao, nhưng năm 2017 không xảy ra vụ việc nghi có liên quan đến hoạt động khủng bố
Chủ động phòng ngừa, sẵn sàng đối phó
Năm 2017 là năm APEC, nhiều hoạt động chính trị, ngoại giao, kinh tế diễn ra từ cuối năm 2016, nhằm chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11/2017. Các hoạt động này thu hút rất nhiều chính trị gia, các nhà kinh tế, ngoại giao trong và ngoài nước tham gia. Đặc biệt, nguyên thủ, lãnh đạo nhiều nước đến tham dự Hội nghị Cấp cao APEC. Cũng trong dịp này, nguyên thủ một số nước đã sang thăm chính thức nước ta. Trước, trong và sau những sự kiện trọng đại diễn ra, nguy cơ quấy rối, chống phá an ninh trật tự, an toàn xã hội rất cao. Nhất là địa bàn đường sắt lại trải dài từ Bắc vào Nam, nhiều tuyến đường qua khu vực dân cư đông đúc, khối lượng hàng hóa, hành khách vận chuyển lớn.
Trong năm 2017, ngành Đường sắt còn phối hợp với Bộ Công an tổ chức tập huấn công tác phòng, chống khủng bố cho 150 CBCNV là lãnh đạo phụ trách công tác an ninh, quốc phòng; lãnh đạo chuyên trách công tác an toàn, an ninh trật tự; lực lượng bảo vệ cơ quan doanh nghiệp; lực lượng bảo vệ tàu hỏa và trưởng tàu khách; lãnh đạo các ga hạng 1,2. |
Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN Khương Thế Duy cho biết, ngay từ đầu năm, Cục Đường sắt VN đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng chống khủng bố để tăng cường khả năng đáp ứng của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đường sắt đối với công tác phòng chống khủng bố. Cùng đó, Cục Đường sắt VN cũng lồng ghép kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống khủng bố với kiểm tra vận tải, hạ tầng, phương tiện tại các nhà ga, trên các đoàn tàu, các cung đường...
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Nguyễn Văn Minh cho biết, cùng với việc ban hành, triển khai hàng loạt văn bản về công tác đảm bảo ANTT, an toàn, đơn vị cũng xây dựng chi tiết kế hoạch phòng chống khủng bố và triển khai thực hiện đến từng đơn vị; Phối hợp với Công an TP Hà Nội rà soát những đối tượng là người nước ngoài có dấu hiệu khủng bố nhập cảnh vào Việt Nam đi trên các đoàn tàu tại các cửa khẩu Đồng Đăng và Lào Cai; Thiết lập đường dây nóng từ lãnh đạo tổng công ty đến từng địa phương có đường sắt chạy qua để kịp thời thông tin, báo cáo khi có vấn đề phát sinh.
“Vì vậy, năm 2017 trên địa bàn đường sắt không xảy ra các vụ việc nghi có liên quan đến hoạt động khủng bố. Đặc biệt trong năm, ga Đà Nẵng phối hợp Công an Đà Nẵng xây dựng phương án phòng chống khủng bố và tổ chức diễn tập bảo đảm an ninh trật tự trong dịp diễn ra hội nghị APEC đạt hiệu quả cao”, ông Minh nói.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giữ vững an ninh đường sắt
Về công tác phòng chống khủng bố năm 2018, ông Nguyễn Văn Minh nhận định, tình hình khủng bố trên thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp; xung đột sắc tộc, tôn giáo và tranh chấp chủ quyền biển đảo có nhiều diễn biến mới.
“Để chủ động ngăn ngừa và đối phó, Tổng công ty đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo tốt ANTT, an toàn chạy tàu, đặc biệt là tại các ga liên vận quốc tế, ga đầu mối. Kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết nhanh gọn các trường hợp tụ tập đông người dùng phương tiện đường sắt để về các thành phố lớn tham gia khiếu kiện, gây rối; các trường hợp phát tán tài liệu không rõ nguồn gốc trên địa bàn đường sắt, nhất là trong các kỳ họp Quốc hội khóa XIV”, ông Minh nói và cho biết, tới đây, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, lực lượng liên quan, trực tiếp là Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố của UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, lực lượng chuyên trách của công an, quân đội về phòng, chống khủng bố thực hiện tốt phương án phòng chống khủng bố tại địa phương kiểm tra, giám sát…
Tổng công ty cũng tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các chủ trương, chính sách, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác giữ gìn ANTT, ATGT nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho đảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên về âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch và bọn tội phạm; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phát huy năng lực cán bộ đáp ứng yêu cầu phòng chống khủng bố trong tình hình mới.