Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành thử nghiệm từ tháng 9/2018
(Trong ảnh: Công trường Depot tại Hà Đông)
Có vốn bổ sung, công trường sôi động từng ngày
Trực tiếp có mặt tại công trường Depot của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông ngày 30/3, ghi nhận của phóng viên, không khí thi công nhộn nhịp hơn hẳn so với cuối năm 2017.
Trong các nhà xưởng kiểm tu, vận dụng toa xe đã cơ bản xong phần xây dựng đường ray, hệ thống điện, đèn tín hiệu và đang hoàn thiện các hạng mục còn lại. Tại khu nhà điều hành trung tâm, hệ thống thiết bị chính và nhiều thiết bị chuyên dụng đã được tập kết chờ lắp đặt, trong khi các công nhân, kỹ sư đang thi công hệ thống điều hòa thông gió, phòng chữa cháy, một số phòng chuẩn bị được lắp cửa chống cháy.
Theo Ban QLDA Đường sắt, ngày 2/9/2018 bắt đầu vận hành thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, từ 3-6 tháng. Thời gian kết thúc thực hiện dự án là trong năm 2021 (Cụ thể, hoàn thành giai đoạn thực hiện xây dựng dự án trong quý IV/2018; thời gian quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành công trình xây dựng 24 tháng kể từ khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng).
Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Hà Nội) mới đây đề xuất Sở GTVT Hà Nội phương án kết nối giao thông công cộng với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong đó điều chỉnh các tuyến xe buýt để thu hút hành khách trong phạm vi cách các nhà ga bán kính 0,5km. Điều chỉnh theo lộ trình giảm dần và dừng hẳn các tuyến xe buýt trùng lộ trình với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông; tăng kết nối xe buýt từ nhiều khu vực trung tâm thành phố với các nhà ga của đường sắt đô thị.
|
Bên ngoài tòa nhà, hàng chục thang máy, thang cuốn loại lớn đã được tập trung. Trong khi đó, hệ thống đường ray đã được lắp, hệ thống thoát nước ngầm chính đã xong.
Toàn bộ mặt bằng khu Depot đang được hoàn trả để chuẩn bị trồng cây xanh, xây tường rào bao quanh. Một kỹ sư phụ của Tổng thầu EPC tại Depot cho biết, mỗi ngày tại công trường Depot có khoảng 300 công nhân thi công, tăng gần 100 người so với cuối năm trước. Hiện công việc chủ yếu là triển khai hoàn thiện hệ thống lắp đặt máy móc, thiết bị trong các tòa nhà.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), sau khi nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD cho dự án đã được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc thực hiện thủ tục giải ngân (ngày 28/12/2017), tiến độ xây lắp, nhập khẩu và lắp đặt trang thiết bị dự án tiến triển tốt hơn so với trước đó.
“Tại khu Depot, tổng mặt bằng và kết cấu chính của 15/16 đơn thể kiến trúc, đường ray tuyến chính, tuyến nhánh kết nối đến các phân khu chỉnh bị, sửa chữa, lập tàu, tường chống ồn, chống thấm mặt cầu đã hoàn thiện”, ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng phòng Dự án 2 thuộc Ban QLDA Đường sắt cho biết.
Trên tuyến, tất cả các đoàn tàu của dự án đã được để tại các ga. Các ga đang được lắp đặt thiết bị, hoàn thiện kết cấu nội thất, kiến trúc, chuẩn bị lắp thang máy, thang cuốn. “Đến nay, tổng thầu đã nhập khẩu khoảng 80% khối lượng thiết bị và đã lắp đặt khoảng hơn 60% gồm: Hệ thống thông tin, tín hiệu, cung cấp điện, ray tiếp xúc, chiếu sáng”, ông Phương thông tin.
Vận hành thử từ tháng 9/2018
Thời điểm cuối năm 2017, tiến độ dự án bị chững lại bởi nguồn vốn 250,6 triệu USD bổ sung cho dự án không được khai thông do gặp vướng mắc thủ tục liên quan đến các bộ, ngành trong nước và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Dù vậy, gần đây, Bộ GTVT nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực tiếp triển khai dự án dứt khoát phải vận hành tuyến đường sắt này trong năm 2018. Gần đây, một số tờ báo thông tin dự án bị lùi tiến độ đến năm 2021. Ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA Đường sắt khẳng định: “Ngày 2/9/2018, bắt đầu đưa dự án vào vận hành chạy thử với thời gian từ 3-6 tháng. Thời gian hoàn thành giai đoạn thực hiện xây dựng dự án trong quý IV/2018”.
Liên quan đến việc chuẩn bị vận hành thử nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, công tác đào tạo nhân sự tại nước ngoài và Trung Quốc đang thực hiện theo đúng kế hoạch. Cụ thể, tổng số 681 nhân lực, bao gồm đã hoàn thành đào tạo 190/201 vị trí tại Trung Quốc, còn 11 vị trí quản lý sẽ đào tạo xong trong tháng 4-5/2018; hoàn thành tuyển dụng và đào tạo trong nước 439/450 nhân sự vận hành, khai thác. Công tác đào tạo thực hành sẽ được tiến hành đồng thời với quá trình lắp đặt thiết bị và hoàn thành trước khi bắt đầu lắp đặt chạy thử.
“Ban QLDA đang quyết liệt chỉ đạo tổng thầu trao đổi, phối hợp làm việc với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội để xây dựng kế hoạch hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác chi tiết cho dự án, để các bên liên quan chuẩn bị thực hiện, tham gia phần việc của mình, đảm bảo sẵn sàng khi dự án vận hành chạy thử”, lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt thông tin.
Được biết, Tổng thầu EPC đã hoàn thành kế hoạch vận hành sơ bộ dự án, hiện Ban QLDA Đường sắt đang đôn đốc tổng thầu triển khai các hạng mục công việc liên quan đến chuyển giao công nghệ (cơ sở hạ tầng chạy tàu, hệ thống thiết bị, quy trình vận hành khai thác và quy trình duy tu, bảo dưỡng).